Mai Sơn cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò

Trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện có gần 31.600 con bò, trong đó 80% là giống bò địa phương. Những năm gần đây, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, giá đầu ra của sản phẩm thấp. Để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, huyện Mai Sơn đang đẩy mạnh thực hiện chương trình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương.

 

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của gia đình anh Lò Văn Hợp, bản Nà Khoang, xã Chiềng Dong.

Gia đình anh Lò Văn Hợp, bản Khoang Liềng, xã Chiềng Dong là một trong những hộ đã có nhiều năm nuôi bò vỗ béo. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, giá bò thịt giống địa phương giảm mạnh, chỉ còn 60-70.000 đồng/kg, khiến việc tiêu thụ bò thịt của gia đình anh hết sức khó khăn. Chia sẻ lý do, anh Hợp cho biết: Bò của gia đình tôi chọn nuôi là giống bò địa phương. Những năm trước, gia đình tôi thường mua bò về vỗ béo từ 3-4 tháng rồi xuất bán, mỗi con cho thu lãi từ 4-5 triệu đồng. Thời gian gần đây, giá bò thịt địa phương giảm mạnh, nên tôi  nuôi cầm chừng, đợi giá lên vì bán thời điểm này sẽ lỗ mỗi con vài triệu đồng.

Còn tại xã Cò Nòi, địa phương có đàn bò lớn nhất huyện, với gần 3.000 con, trong đó có khoảng 1.000 con bò siêu thịt 3B và một số giống bò lai khác. Đây cũng là xã có tỷ lệ bò giống nhập ngoại nhiều trên địa bàn huyện. Ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Trong khi giá bò địa phương giảm thấp, thì giống bò 3B siêu thịt lại có giá bán tương đối ổn định, nhờ đó một số hộ chăn nuôi vẫn lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Là một trong những hộ tiên phong nuôi bò 3B trên địa bàn, từ 20 con giống nuôi thử nghiệm ban đầu, gia đình ông Trần Hữu Bính, tiểu khu 19/5, xã Cò Nòi đã mở rộng quy mô lên 400 con. Ông Bính chia sẻ: Bò 3B có thể trạng to lớn, khỏe mạnh, lớn nhanh. Sau 12 tháng nuôi nhốt vỗ béo, khi xuất chuồng trọng lượng mỗi con bò 3B đạt 6-7 tạ, gấp đôi bò địa phương, với giá bán thịt hơi tại chuồng ổn định, thấp nhất từ 85.000-90.000 đồng/kg, mỗi con thu lãi ít nhất 10 triệu đồng. Ngoài ra, phân bò được tôi xử lý ủ hoai mục để bán, doanh thu đạt thêm 1 triệu đồng/con.

Trong khi các loại bò lai, bò 3B dễ tiêu thụ, giá bán cao hơn, thì bò địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được anh Lò Văn Chanh, bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, thương lái chuyên thu mua bò trên địa bàn cung cấp cho các lò mổ ở Hà Nội, giải thích: So sánh tỷ lệ thịt giữa bò địa phương và bò lai, bò 3B thịt mông, bắp nhiều hơn, nên các lò mổ ưu tiên lựa chọn bò lai vỗ béo. Bên cạnh đó, các loại thịt bò nhập khẩu giá cả cạnh tranh hơn, khiến cho bò thịt nuôi nhỏ lẻ, chi phí chăn nuôi cao không đủ sức cạnh tranh.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, huyện Mai Sơn đã thực hiện chủ trương “Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển đại gia súc theo hướng tập trung, hiệu quả”. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Thời gian qua, cùng với tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng cỏ, huyện đã kết nối, vận động các hộ nông dân liên kết sản xuất với HTX để cung cấp giống bò lai, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và liên kết sản xuất, tiêu thụ bò giống, bò thương phẩm cho nông dân, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng thịt bò an toàn.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện về vốn cho các hộ phát triển mô hình nuôi bò 3B, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể rà soát nhu cầu, tư vấn hoàn thiện hồ sơ cho các hội viên có nhu cầu vay vốn. Hiện, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân hơn 3 tỷ đồng cho hơn 30 hộ vay. Bước đầu, HTX nông nghiệp sạch Sơn La, xã Cò Nòi đã liên kết với các các hộ được vay vốn chăn nuôi bò 3B để cung cấp con giống, ký kết hợp đồng tiêu thụ bò giống, bò thịt, trồng cỏ và tư vấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ liên kết sản xuất.

Mục tiêu trong năm 2022, huyện Mai Sơn sẽ tăng mạnh đàn bò, gắn với xây dựng các mô hình vỗ béo, Shin hóa, Zebu hóa đàn bò. Huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, hướng tới thị trường hàng hóa. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô và thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới