Ly hôn theo yêu cầu của một bên

Câu hỏi tình huống: Do không thể chung sống, chồng bỏ đi biệt tích 3 năm nay, nên chị gái tôi muốn ly hôn. Được biết, người chồng thời gian này đã có người phụ nữ khác và có con riêng? Giờ chị gái tôi muốn ly hôn, nhưng không có chứng minh nhân dân và tạm trú của chồng nên không biết phải làm những thủ tục gì và phải nộp đơn cho tòa án nào?

Trả lời:

           

I. Quyền yêu cầu ly hôn:

           

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

           

Như vậy, trong trường hợp của chị gái bạn có quyền đưa đơn ra Tòa án để yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn.

           

II. Căn cứ ly hôn:

           

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

           

Điều 55. Thuận tình ly hôn

           

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

           

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

           

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

           

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

           

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

           

Vợ chồng chị gái bạn kết hôn nhưng chồng chị gái bạn đã bỏ nhà đi hơn 3 năm cho đến thời điểm hiện tại chưa về, như vậy là thời gian ly thân của vợ chồng chị gái bạn tương ứng với số thời gian chồng chị gái bạn bỏ đi và chồng chị gái bạn cũng đã có con với người khác.

           

Theo quy định Điều Luật ở trên tình trạng hôn nhân của vợ chồng chị gái bạn là trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định cho ly hôn. 

           

III. Thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn:

           

Theo quy định tại Điều 35 và điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015  thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Nơi cư trú của cá nhân là nơi cá nhân thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống.

           

Do vậy, để được Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, bên nguyên đơn chứng minh được nơi bị đơn thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống, nơi người này làm việc. Nếu thấy bị đơn thay đổi địa chỉ, không còn cư trú hoặc làm việc tại địa phương nữa mà thực tế đang cư trú hoặc làm việc tại địa phương khác, Tòa án đang thụ lý sẽ chuyển vụ án cho Tòa án nơi bị đơn đang cư trú hoặc làm việc để tiếp tục giải quyết vụ án.

           

Trong trường hợp cụ thể của chị gái bạn, Tòa án nơi chị gái bạn đang cư trú không thuộc thẩm quyền giải quyết cho ly hôn, Tòa án nơi cư trú của bị đơn (nơi cư trú của chồng chị gái bạn) mới có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, do chị gái không biết rõ nơi cư trú của chồng ở đâu nên rất khó xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nếu bạn nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án nơi chị gái bạn đang cư trú, Tòa sẽ không thụ lý giải quyết và trả lại đơn theo quy định.

           

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án ly hôn được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật thì nghĩa vụ chứng minh, chứng cứ thuộc về các đương sự.

           

Vì vậy, chị gái bạn nên tìm kiếm nơi cư trú của chồng và cung cấp thông tin cho Tòa án để giải quyết việc ly hôn được nhanh chóng, nếu trong quá trình tìm kiếm không đạt kết quả chị gái bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích, sau đó yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn theo Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. (Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.)

           

Về vấn đề tuyên bố mất tích thì tại Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

           

1. Khi một người biệt tích 2 năm trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

           

Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng, thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

           

2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn, Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

           

Sau 4 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên mà người bỏ đi vẫn không trở về hoặc có tin tức báo về, Tòa án sẽ họp xét đơn yêu cầu tuyên bố công dân mất tích. Sau khi Tòa án tuyên bố người mất tích, vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích mới được làm đơn xin ly hôn.  Tóm lại: 1. Chị của bạn phải chứng minh được chồng chị bạn hiện đang cư trú tại đâu, để cơ quan Tòa án tống đạt công văn đến người chồng của chị bạn.

           

2. Trong trường hợp đã hết sức tìm kiếm mà không thấy, thì chị của bạn đến cơ quan tòa án chứng minh việc tìm kiếm và đề nghị Tòa tuyên bố mất tích theo quy định.

           

3. Sau đó đề nghị Tòa án giải quyết việc ly hôn cho chị của bạn.

           

Tòng Minh (Trung tâm Trợ giúp pháp lý)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới