Luật Hòa giải ở cơ sở sau 5 năm thực hiện

Qua hơn 5 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước; mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời; hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp... góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cho người dân bản Co Tòng, xã Co Tòng (Thuận Châu).

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, quyết định, văn bản triển khai trên địa bàn; chỉ đạo Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật và các văn bản hướng dẫn tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở những nội dung cơ bản của Luật, phạm vi hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, trình tự, thủ tục bầu và công nhận hòa giải viên... Cùng với đó, công tác tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cũng được các cấp, các ngành, các huyện, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho công chức thực hiện quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; thông qua buổi sinh hoạt của tổ hòa giải; hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở, tổ chức các cuộc thi, hội thi... Trong hơn 5 năm, Sở Tư pháp đã tổ chức 15 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho 1.200 lượt tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở; tổ chức 558 hội nghị tập huấn cho 40.700 lượt hòa giải viên, cán bộ MTTQ các xã, phường, thị trấn tham dự; ngành Tư pháp đã biên soạn và phát hành 15.788 tài liệu nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở. Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã ký kết và tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2013-2017”.

Công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở được chú trọng. Toàn tỉnh có 100% tổ hòa giải được kiện toàn ở các tổ, bản, tiểu khu với 3.284 tổ hoà giải, 22.938 hòa giải viên. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác hòa giải được duy trì thường xuyên. Hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh kiểm tra tại 12 huyện, thành phố; mỗi huyện, thành phố kiểm tra trực tiếp 1-2 đơn vị cấp xã về hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, việc kiện toàn tổ hòa giải, bầu, công nhận hòa giải viên, hoạt động của tổ hòa giải; bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và chi thù lao cho hòa giải viên... Nhờ vậy, hoạt động hòa giải ở cơ sở từng bước nâng cao về chất lượng hoạt động, từ năm 2014 đến nay, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải 10.086 vụ việc, trong đó hòa giải thành 8.458 vụ việc, đạt 83%.

Phát huy những kết quả đạt được, Hội đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở bằng nhiều hình thức, phù hợp từng đối tượng, góp phần thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới