Luật An ninh mạng: Không trùng lắp, không khó phân định với những quy định của một số đạo luật khác

LTS: Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những điểm mới, những nội dung cần quan tâm trong Luật An ninh mạng được Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Lò Hùng Thuận, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Phóng viên Báo Sơn La trao đổi với ông Lò Hùng Thuận, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh.

 

Phóng viên: Xin ông cho biết đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng có chồng chéo, khó phân định với những quy định của một số đạo luật khác đã ban hành như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh quốc gia... hay không?

Ông Lò Hùng Thuận: Luật An ninh mạng đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh là quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Qua rà soát, Luật này không có sự trùng lắp, không chồng chéo, không khó phân định với những luật đã được ban hành, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh quốc gia, Luật Công nghệ thông tin, Bộ Luật dân sự...

Phóng viên: Những điều, khoản nào của Luật An ninh mạng khi có hiệu lực thi hành sẽ bảo vệ quyền sử dụng mạng, bảo mật thông tin của tổ chức, cá nhân, thưa ông?

Ông Lò Hùng Thuận: Việc ban hành Luật An ninh mạng là nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Đảm bảo thực thi có hiệu quả Luật cũng đồng nghĩa với bảo vệ quyền sử dụng mạng, bảo mật thông tin của tổ chức, cá nhân. Thể hiện ở một số điều như: Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng (Điều 4); Nhà nước ban hành các chính sách về an ninh mạng (Điều 3); luật quy định các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ không gian mạng quốc gia (Điều 5, Điều 6).  Luật cũng quy định việc phòng ngừa, xử lý vi phạm an ninh mạng, như: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Điều 16); Phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng (Điều 17)...

Phóng viên: Với Luật An ninh mạng, theo ông, các tổ chức, cá nhân cần phải hiểu rõ những vấn đề cơ bản nào để tránh hiểu sai, bị tác động không tốt, cũng như tuân thủ đúng để Luật đi vào cuộc sống?

Ông Lò Hùng Thuận: Qua theo dõi quá trình soạn thảo cho đến khi thông qua Luật cho thấy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng đã thể hiện rõ, nhất quán, có hệ thống và phù hợp với từng thời kỳ, kịp thời điều chỉnh, đưa ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về vấn đề an ninh mạng trong tình hình mới. Nội dung Luật đã bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp thì Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Như vậy, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do trên. Luật An ninh mạng quy định các biện pháp nghiệp vụ an ninh mạng để bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cơ bản đó của con người, của công dân. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật này cũng góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quy định “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” và “mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”. Hiện nay, đã có nhiều quốc gia trên thế giới ban hành các văn bản luật về an ninh mạng, điển hình như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Anh, Úc, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc... Riêng Mỹ đã ban hành tới 6 đạo luật chuyên ngành về các vấn đề về an ninh mạng, Liên minh châu Âu có Chỉ thị An ninh thông tin và mạng nhằm tăng cường các khả năng an ninh mạng của các quốc gia thành viên, tăng cường sự hợp tác của các quốc gia thành viên trong lĩnh vực an ninh mạng.  Nhiều quốc gia ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của quốc gia. Như vậy việc ban hành Luật An ninh mạng sẽ bảo đảm công tác an ninh mạng của nước ta có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế về an ninh mạng.

Có thể khẳng định, nội dung Luật An ninh mạng không tạo rào cản,  không tăng thủ tục hành chính, chi phí... và không cản trở hoạt động bình thường, đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân. Để tránh bị tác động không tốt dẫn đến vi phạm pháp luật, mỗi tổ chức, cá nhân  cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nội dung Luật, nhất là những điều khoản quy định tổ chức, cá nhân được làm; không được làm. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm công dân trong việc cảnh giác không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, không bị lừa dối, xúi giục, lôi kéo tham gia chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phong Lưu (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới