Lóng Luông chuyển đổi cây trồng trên đất dốc

Với địa hình chủ yếu là đồi núi đá vôi, đất cát, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, trên 95% dân số là dân tộc thiểu số nên nhiều năm trở về trước, cuộc sống của người dân ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào cây ngô, cây lúa.

Cán bộ xã Lóng Luông (Vân Hồ) kiểm tra diện tích cây ăn quả mới trồng trên địa bàn xã.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo xã Lóng Luông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân từng bước đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất thay thế các loại cây lương thực truyền thống.

Đi trên Quốc lộ 6 qua địa bàn xã Lóng Luông, chúng tôi dễ dàng nhận ra những vườn mận, mơ cùng với các loại cây ăn quả có múi phủ kín các triền đồi, 2 bên đường là những vườn chanh leo đang vào vụ thu hoạch. Dừng chân tại HTX nông nghiệp A Cao, bản Hua Tạt, đúng lúc các thành viên HTX đang thu hoạch chanh leo. Anh Tráng A Cao, là người tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đồng thời là Chủ nhiệm HTX, cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô và chăn nuôi quy mô nhỏ, thu nhập thấp, không đủ chi phí cho sinh hoạt gia đình. Năm 2016, tôi cùng với một số người dân trong bản đi tham quan một số mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Nhận thấy hiệu quả từ các mô hình trồng cây ăn quả, tôi quyết định vay vốn để đầu tư trồng 2 ha quýt đường, 1.000 cây chanh, 400 gốc mận, 500 gốc đào, 100 cây bưởi da xanh, 600 cây bưởi đỏ Tân Lạc, 400 cây bưởi Nhật Bản, đến nay vườn cây ăn quả của gia đình bắt đầu cho thu bói.

Tháng 4/2017, bản Hua Tạt được Dự án giảm nghèo của tỉnh hỗ trợ giống, phân bón, gia đình anh A Cao đầu tư 60 triệu đồng làm giàn trồng 1 ha chanh leo. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và kinh nghiệm học được trên sách, báo áp dụng vào sản xuất, vườn chanh leo của gia đình anh phát triển tốt, quả to đều, mẫu mã đẹp, ước tính tổng sản lượng chanh leo thu hoạch năm 2018 đạt gần 13 tấn quả, với giá bán bình quân từ 20.000 -25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Niềm vui nhân đôi, từ việc phát triển mô hình kinh tế trồng cây ăn quả, anh đã vận động các hộ dân trong bản thành lập HTX Nông nghiệp A Cao. Hiện, HTX có 7 thành viên với 67 ha cây ăn quả.

Tham gia việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, chị Tráng Thị Mái ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông cũng đã thu lợi từ trồng cây chanh leo, chị Mái vui vẻ nói: Tôi tham gia lớp học đào tạo nghề cho lao động nông thôn do huyện Vân Hồ tổ chức. Sau hơn 3 tháng theo học, tôi đã nắm được các kỹ thuật cơ bản của việc trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, nhất là cây chanh leo. Với vốn kiến thức có được, tôi đã tìm đến Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc để mua giống chanh leo về trồng. Hiện, 6.000 m2 trồng chanh leo của gia đình đã cho thu hoạch được gần 2 tấn quả với giá bán bình quân từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, trồng sắn.

Đồng chí Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, cho biết: Xác định trồng cây ăn quả trên đất dốc là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp để tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm và góp phần đảm bảo môi trường sinh thái, từng bước giảm vững chắc diện tích canh tác cây lương thực trên đất dốc, thời gian qua, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc theo đúng quy hoạch, phù hợp với trình độ sản xuất, điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước, thuận tiện giao thông. Hiện, xã có 276 ha cây mận, 111 ha đào, 33 ha chanh leo, 14 ha bơ, 13,5 ha bưởi...

Trồng cây ăn quả trên đất dốc là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành trồng trọt. Để tiếp tục phát triển bền vững chương trình này, phải tuân thủ các quy trình sản xuất một cách nghiêm túc, không sử dụng thuốc trừ cỏ. Bên cạnh đó, thuốc bảo vệ thực vật phải được sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”. Song song với việc mở rộng diện tích cây ăn quả, tăng cường cải tạo vườn cây ăn quả hiện có, huyện Vân Hồ cần có nhiều chính sách hỗ trợ người dân xã Lóng Luông cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với vùng sản xuất an toàn tập trung, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh từ cây ăn quả.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới