Lễ phát động Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” năm 2019

Ngày 26/3, tại xã Nậm Lầu (Thuận Châu), Sở Y tế đã phối hợp với UBND huyện Thuận Châu tổ chức Lễ phát động điểm Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” tỉnh Sơn La năm 2019. Dự Lễ phát động có lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Chi cục Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; đại diện Thường trực UBND huyện, cùng các phòng, ban, tổ chức đoàn thể huyện Thuận Châu; Trạm Y tế các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thuận Châu và đông đảo nhân dân xã Nậm Lầu.

Lễ diễu hành phát động Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ 

đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” năm 2019.

Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” tỉnh Sơn La năm 2019 được triển khai thực hiện từ ngày 26/3 đến ngày 30/10/2019, tại 100 xã đông dân, có mức sinh cao, đặc biệt khó khăn của 11/12 huyện, thành phố. Các hoạt động của Chiến dịch gồm: Tuyên truyền, tư vấn, vận động đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi thực hiện KHHGĐ trước khi thực hiện Chiến dịch 5 ngày; tổ chức khám, cung cấp dịch vụ KHHGĐ, như: Đặt dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, thuốc uống tránh thai, khám phụ khoa, thuốc điều trị phụ khoa, bao cao su... tại trạm y tế xã từ 3-5 ngày. Hướng đến mục tiêu: Trên 95% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS/ KHHGĐ; 95% số người đăng ký thực hiện KHHGĐ được khám và điều trị bệnh phụ khoa thông thường; đạt 90% chỉ tiêu đặt vòng tránh thai, 100% triệt sản, thuốc cấy, thuốc tiêm, thuốc uống tránh thai, bao cao su tại các địa bàn triển khai Chiến dịch. Đối với các xã đang có tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, phân biệt giới tính khi sinh giảm từ 2% trở lên so với năm 2018. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về công tác CSSKSS, KHHGĐ. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền về công tác dân số - KHHGĐ tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng dân số...

Lê Hạnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới