Lễ hội Pang A của người La Ha

Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018 - Lễ hội Pang A là nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của người La Ha các huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La. Lễ hội “Pang A” được tổ chức để cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng và bày tỏ lòng cảm tạ thần linh và các thầy lang có công bảo vệ dân bản.

Mâm lễ tiễn các thần linh về trời trong Lễ hội Pang A.

 

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng. Dân tộc La Ha hiện còn dưới 10.000 người, là một trong số 16 dân tộc thiểu số trong toàn quốc cần được bảo tồn văn hóa truyền thống khẩn cấp. Tại tỉnh ta, người La Ha chỉ chiếm 0,87% dân số toàn tỉnh, tuy ít, nhưng người La Ha vẫn giữ phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa riêng.

Lễ hội Pang A diễn ra 1 ngày, tại nhà thầy mo, các con nuôi được thầy chữa khỏi bệnh sẽ được mời tham gia lễ hội, quy mô tổ chức Lễ hội Pang A tùy thuộc vào từng thầy mo. Nếu thầy mo có nhiều năm hành nghề, con nuôi đông thì quy mô tổ chức lễ hội lớn. Các thầy mo mới hành nghề thì tổ chức quy mô nhỏ hơn. Người La Ha có quan niệm về thời hạn của con nuôi, thông thường, người bệnh nhẹ thì tự nhận mình làm con nuôi thời gian từ 1-2 năm, người bệnh nặng từ 3-5 năm, sau thời gian này nếu ai có điều kiện thì có thể về thăm cha nuôi hàng năm. Nhiều người đã hết hạn con nuôi vẫn đến để dự lễ hội để mong con, cháu của mình có lòng biết ơn đối với thầy mo, nối sợi dây tình cảm lâu dài. Lễ hội được tổ chức quy mô lớn hay nhỏ thì bà con dân bản đều đến dự đông đủ, chia vui cùng với thầy mo và các con nuôi.

Để chuẩn bị tổ chức Lễ hội, những người trong gia đình chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho lễ hội và báo các con nuôi, họ hàng ở xa và bà con dân bản đến dự lễ hội. Trong lễ cúng không thể thiếu cây Xặng Bók được làm từ một cây tre và 1 cây mía buộc vào nhau dựng đứng từ sàn lên đến nóc nhà, trên đó trang trí nhiều vật dụng liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày như: Sợi sùng, sợi mon, cống mạy, con ve, quả còn, chim cu gáy, hoa chuối... các đồ trang trí này cũng là đạo cụ của phần hội.

Đến ngày làm lễ, gia đình thầy mo dựng cây Xặng Bók ở gian giữa nhà, lễ vật và những chum rượu cần các con nuôi mang đến đặt xung quanh cây Xặng Bók. Gia đình thầy mo sẽ mổ một con lợn, nướng cá, chuẩn bị rau, xôi để làm lễ cúng và làm thức ăn mời con nuôi và những người trong bản đến tham dự. Ngoài ra, lễ vật không thể thiếu đó là 3 chum rượu cần. Trước tiên, thầy mo sẽ cúng ở mâm cạnh cửa sổ để báo cáo với tổ tiên là hôm nay gia đình tổ chức Lễ Pang A, mong tổ tiên cho phép, phù hộ và mời về dự Lễ Pang A. Sau đó thầy cúng sẽ quay sang cúng lễ tại mâm cúng chính cạnh cây Xặng Bók, người nhà sẽ mở các chum rượu cần, cắm cần vào để thầy cúng mời các thần linh về dự lễ, phù hộ cho gia chủ, các con nuôi, dân bản khỏe mạnh. Trong khi các thầy mo cúng thì người nhà bày mâm cỗ, những người tham gia và các con nuôi vừa ăn, vừa thi uống rượu cần, tạo nên không khí vui vẻ, náo nhiệt của lễ hội. Lễ cúng bắt đầu từ khoảng 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều, thì mọi người vào màn múa tăng bu. Người nhà đặt 1 tấm ván lên sàn nhà, chốt chặt lại, treo trống, chiêng lên xà nhà. Khi tiếng trống chiêng nổi lên, mỗi người cầm một đoạn tre bắt đầu múa tăng bu vòng quanh tấm ván gỗ, họ bước theo nhịp trống, chiêng và nhịp dỗ của ống tre. Đi được khoảng 3-4 vòng họ lại cùng nhau hú lên rồi quay trở lại, cứ như vậy, màn múa kéo dài khoảng 1 giờ. Buổi chiều thầy cúng tiếp tục cúng cho các con nuôi ở xa đến và uống rượu cần. Lễ Pang A kết thúc bằng việc người nhà kiểm tra xem tất cả các chum rượu cần đã uống nhạt chưa, nếu uống nhạt rồi thì rút tất cả cần rượu ra đan với nhau thành 1 tấm, bên trên đặt 1 mâm lễ nhỏ được lấy từ mỗi phần lễ một ít đặt lên, tất cả con nuôi và thầy cúng, mỗi người cầm 1 đầu cần rượu để dâng mâm lễ tiễn đưa thần linh về trời, nghi lễ diễn ra trong khoảng 20 phút, sau đó thầy mo lại quay ra cúng cảm ơn tổ tiên, các con nuôi rút khăn trên vách xuống thực hiện điệu múa khăn để tiễn đưa thần linh về trời.

Lễ hội Pang A đã có phần lễ và phần hội đan xen. Phần lễ tôn nghiêm, giàu bản sắc. Phần hội sôi động, sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phản ánh các hoạt động trong lao động sản xuất, ẩn chứa ước nguyện của tộc người được phù hộ, cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, bản làng ít xảy ra tai ương dịch họa, dòng tộc phát triển hạnh phúc... Trên hết, lễ hội nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn thầy thuốc có công cứu chữa cho mình được khỏi bệnh, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội và truyền lại cho các thế hệ kế tiếp những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, cần được giữ gìn, phát huy và lưu truyền cho đời sau.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới