Làm giàu từ mô hình ao - chuồng

Đến bản Ban, xã Chiềng Mai (Mai Sơn), ai cũng biết gia đình ông Nguyễn Đức Hữu làm kinh tế giỏi, với mô hình ao - chuồng, cho thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/năm.

Mô hình ao - chuồng của gia đình ông Nguyễn Đức Hữu, bản Ban, xã Chiềng Mai (Mai Sơn).

 

Ông Hữu chia sẻ: Quê ở xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Năm 2003, được bạn bè giới thiệu đến vùng đất Chiềng Mai, tôi đã tìm hiểu đất đai, khí hậu và nhận thấy nơi đây có ao rộng của hợp tác xã, thuận lợi cho việc phát triển nuôi thả cá. Sau nhiều lần khảo sát, năm 2006, tôi và gia đình quyết định lên định cư tại bản Ban, xã Chiềng Mai để phát triển kinh tế trang trại. Gia đình tôi đã  dành toàn bộ số tiền tiết kiệm gồm hơn 400 triệu đồng và vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng để thầu đất, 2 ao rộng khoảng 2 ha ở bản Ban để phát triển kinh tế ao - chuồng.

Thời gian đó, ông Hữu đã thuê máy xúc, nhân công cải tạo lại toàn bộ ao và bắt đầu thả các loại cá: Rô đơn tính, mè, chép, trôi,... Ngoài ra, tận dụng mặt nước ao nuôi hơn 2.000 con vịt để tăng thu nhập. Thật không may, năm 2007 hai ao cá sắp đến vụ thu hoạch thì cá bị chết hoàn toàn; đàn vịt thì bị dịch bệnh H5N1. Gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần. Nhưng với quyết tâm cao, cùng với sự ủng hộ, động viên từ gia đình là động lực giúp ông vượt qua tất cả khó khăn. Ông quyết định gây dựng lại, vay mượn anh em, họ hàng khoảng 200 triệu đồng để cải tạo lại ao, mua thêm con giống về tiếp tục thả cá. Trong quá trình chăn nuôi và chăm sóc ao cá, ông Hữu đã đi học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình ao thả cá ở các tỉnh miền xuôi. Đồng thời, xem tivi và đọc sách báo, tìm hiểu thêm kiến thức, kĩ thuật chăm sóc cá để áp dụng vào thực tế. Hằng ngày, ông thường xuyên kiểm tra môi trường nước, theo dõi trọng lượng cá và các dịch bệnh phát sinh. Ông còn trồng cỏ voi xung quanh bờ ao làm thức ăn cho cá để tiết kiệm chi phí.

Một năm sau, được thu hoạch lứa cá đầu tiên với hơn 6 tạ cá thương phẩm, lãi hơn 60 triệu đồng. Giá cá thương phẩm trên thị trường ngày càng tăng, nên thu nhập của gia đình ông cũng tăng cao. Ông Hữu tâm sự: Vào tháng 2 âm lịch hằng năm, gia đình tôi tháo ao, bắt cá xuất bán ra chợ Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, chợ Chiềng Mai và huyện Sông Mã. Nhiều khi các thương lái gọi đặt mua cá trước, vì vậy giá bán sản phẩm cá của gia đình lúc nào cũng ổn định và không lo rớt giá. Năm 2017, sản lượng đạt trên 1 tấn cá, thu nhập gần 200 triệu đồng.

Cùng với việc nuôi thả cá, ông Hữu còn tận dụng diện tích bờ ao, xây thêm chuồng trại nuôi hơn 100 con lợn theo phương pháp truyền thống. Đó là mua ngô về nghiền, trộn với dọc mùng, rau khoai lang, cây chuối... làm thức ăn cho lợn. Trung bình một năm ông nuôi 3 lứa lợn, trừ chi phí thu hơn 100  triệu đồng.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, ông Hữu còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương như: Quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ, giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình thương binh... Đồng thời, chia sẻ, trao đổi với bà con trong bản, trong xã về kinh nghiệm sản xuất, ông luôn mong muốn ai cũng có cuộc sống khá như gia đình ông.

Hạnh Vi (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới