Làm giàu từ cây ăn quả

Những năm qua, phát huy lợi thế đất đai trù phú và các điều kiện tự nhiên thuận lợi về khí hậu, nguồn nước. Cùng với nhiệt huyết đam mê và quyết tâm phấn đấu vươn lên, không cam chịu đói nghèo, nhiều hộ gia đình ở cao nguyên Mộc Châu đã tìm kiếm loại cây trồng phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.

 

Vườn cây ăn quả của gia đình anh Phạm Văn Quyết, tiểu khu 34, xã Tân Lập (Mộc Châu) sinh trưởng, phát triển tốt.

Được mệnh danh là tỷ phú cây ăn quả, anh Phạm Văn Quyết, tiểu khu 34, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu hiện đang là chủ của 4 ha cây ăn quả, gồm: Hồng giòn, bơ và một số loại cây ăn quả có múi. Đưa chúng tôi đi thăm thành quả sau nhiều năm gắn bó, miệt mài lao động để biến những mảnh đất đồi cằn khô thành vườn cây ăn quả xanh mướt, anh Quyết nhớ lại: Năm 2017, tôi chọn cây hồng giòn, bơ để trồng thử nghiệm. Quá trình trồng và chăm sóc cây hồng giòn và cây bơ phù hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt và cho quả chất lượng cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả mang lại, gia đình tôi quyết định mở rộng diện tích trồng cây hồng và cây bơ.

Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, vườn cây ăn quả của gia đình anh Quyết ngày càng phát triển mở rộng và cho thu nhập cao. Đến nay, gia đình anh đã có 3 ha trồng 1.500 cây hồng giòn và 150 cây bơ. Trong đó, hơn 600 cây hồng và 30 cây bơ đã cho thu hoạch. Năm 2018, gia đình anh thu được 40 tấn hồng giòn và 3 tấn bơ, với giá bán bình quân 30.000  - 35.000 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu được trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Sản phẩm bơ và hồng của gia đình anh Quyết được khách hàng ưa chuộng vì sản phẩm sạch, có vị ngọt đậm đà, hương thơm đặc trưng, nhiều thương lái tìm đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh còn sẵn sàng hỗ trợ các gia đình trong và ngoài tiểu khu về cây giống, hướng dẫn, tư vấn cho các hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh vườn cây ăn quả. Hiện, gia đình anh Quyết đang tạo việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động địa phương với mức công 3-4 triệu đồng/người/tháng. 

Chia tay gia đình anh Phạm Văn Quyết, chúng tôi về xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) để tìm hiểu về mô hình trồng chanh leo của gia đình ông Vì Văn Ngà, bản Pá Phang 2. Trước đây, toàn bộ diện tích 3 ha đất đồi của gia đình ông Ngà chủ yếu là trồng ngô. Năm 2016, sau khi khảo sát, học hỏi việc chăm sóc cây chanh leo, ông đã mạnh dạn đầu tư cọc, dây thép và đào hố, phân bón để trồng 1.200 cây chanh leo trên diện tích 2 ha. Chỉ sau 3 tháng trồng, cây chanh leo đã bắt đầu cho thu quả. Vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình ông thu 25 tấn quả, với giá bán bình quân 12.000 đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng, xét về hiệu quả kinh tế trồng chanh leo gấp nhiều lần trồng ngô. Từ năm thứ 2 trở đi, cây chanh leo đạt năng suất từ 30 - 40 tấn quả/1ha/năm. Năm 2017, gia đình ông chuyển đổi tiếp 1 ha đất trồng ngô còn lại sang trồng cây chanh leo. Dự tính vụ chanh leo năm nay, gia đình ông Ngà thu trên 70 tấn quả, thu trên 1 tỷ đồng. Chia sẻ về thành công từ cây chanh leo, ông Ngà cho biết: Để đạt được năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch, bản thân tôi không ngừng tự học hỏi, rút kinh nghiệm. Đồng thời, chủ động gặp gỡ cán bộ khuyến nông của xã, của huyện để được tư vấn sát sao về quy trình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong quá trình lựa chọn giống, chăm sóc, thu hái sản phẩm và bảo quản sản phẩm sau thu hái...

Xã Chiềng Hắc nằm dọc Quốc lộ 6, có nhiều điều kiện thuận lợi dễ dàng tiêu thụ nông sản hàng hóa do người dân sản xuất ra. Tuy nhiên, người dân trong xã từ lâu chủ yếu canh tác lạc hậu, theo phương thức truyền thống, nên làm cho đất bị xói mòn, bạc màu, năng suất cây trồng thấp, thu nhập của người dân chỉ theo mùa vụ, bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Với thành công từ mô hình trồng cây chanh leo của gia đình ông Vì Văn Ngà sẽ là động lực để người dân trong xã học và làm theo, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, góp phần giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Trao đổi về định hướng phát triển cây ăn quả trong thời gian tới trên địa bàn toàn huyện, đồng chí Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện Mộc Châu đang có 20 loại cây ăn quả khác nhau, trong đó có 11 loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, có diện tích lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao, đang được huyện tuyên truyền trồng theo từng vùng là: Mận hậu, nhãn ghép, xoài lai, mơ, bơ, chanh leo, cam vinh, bưởi diễn, bưởi da xanh, hồng giòn, lê. Huyện đã chỉ đạo phát triển cây ăn quả phù hợp theo điều kiện tự nhiên của từng vùng, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng cây ăn quả trong cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, thay thế diện tích ngô và các loại cây trồng khác trên đất dốc, góp phần khai thác lợi thế, tiềm năng, gắn phát triển cây ăn quả với phát triển du lịch trang trại, vườn rừng.

Để phát triển các loại cây ăn quả bền vững, huyện Mộc Châu cần quan tâm, tạo điều kiện để người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật mới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, từng bước khẳng định thương hiệu nông sản trên cao nguyên Mộc Châu.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới