Kỳ vĩ hồ trên núi • Kỳ I: Theo tiếng gọi “Người lái đò sông Đà”

Những ngày đầu thu chúng tôi du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Sơn La, cảm nhận không khí trong lành mát mẻ giữa một vùng mênh mang sông nước. Những dãy núi đá sừng sững soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng, không còn ghềnh thác như trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của Nhà văn Nguyễn Tuân năm xưa nữa. Con sông Đà đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Sơn La nay đã được “thuần hóa” trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong cung đường du lịch vùng Tây Bắc.

                       

Vẻ đẹp "Vịnh Hạ Long" trên núi.

           

Từ thủy điện Sơn La...

           

Từ bến thuyền Km số 0 trên lòng hồ khu vực thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình khám phá lòng hồ sông Đà. Mùa này, Nhà máy thủy điện Sơn La tích nước, lòng hồ dâng cao trong vắt, lăn tăn gợn sóng và cũng là mùa đẹp nhất trong năm.

           

Thuyền du lịch tập kết tại bến đón khách.

           

Từ bến thuyền phóng tầm mắt toàn cảnh đập thủy điện như bức tường thành vững chắc, chắn ngang sông Đà. Điều tự hào nhất là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này do các kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Nhiệm vụ chính của công trình là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mua khô cho đồng bằng Bắc Bộ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc.

 

Toàn cảnh thủy điện Mường La.

           

Từ ngày đóng đập tích nước, cuộc sống người dân dọc hai bên sông thay đổi, những chiếc thuyền độc mộc được thay bằng thuyền máy. Người dân tận dụng mặt nước phát triển nuôi cá lồng, làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, đưa đón khách tham quan du lịch.

           

Theo con thuyền của Nhà nổi Mường Trai, thuộc bến thuyền xã Mường Trai, huyện Mường La, bắt đầu trải nghiệm tour Bến đập thủy điện Sơn La - mô hình nuôi cá tầm - thủy điện Huổi Quảng, với giá 2 triệu đồng/chuyến. Sau 30 phút di chuyển, điểm đầu tiên cập bến là mô hình nuôi cá tầm của Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam - Sơn La. Vui vẻ đón khách, ông Nguyễn Ngọc Lan, quản lý, giới thiệu: Công ty lựa chọn vị trí lòng hồ sông Đà thuộc bản Lả Mường, xã Mường Trai làm địa điểm nuôi cá vì khu vực này khuất gió, nguồn nước sạch. Công ty đang có 287 lồng, với khoảng 90.000 con cá tầm từ 1 - 60 kg, giá bán rất cao từ 250 - 450 nghìn đồng/kg. 2 năm nay, cá tầm cung không đủ cầu. 

 

Khu nuôi cá tầm của Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam - Sơn La.

 

Du khách tham quan khu nuôi cá tầm.

Du khách check-in những chú cá tầm khổng lồ.

Những con cá tầm khổng lồ nặng trên 60 kg.

           

Cá nuôi trong lồng nên chỉ sau vài phút kéo lưới, những con cá tầm "khổng lồ" dài gần 2m, trọng lượng 50-60 kg ở sâu dưới nước dần dần hiện lên, quẫy đuôi tạo thành những lớp sóng lớn. Ai cũng trầm trồ, thích thú tranh thủ chụp những bức ảnh kỷ niệm.

           

Lên thuyền di chuyển về bến Mường Trai, chúng tôi được người đồng hành là chị Cà Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Mường La, giới thiệu thêm về đảo khỉ; núi bàn tay phật; núi ông hổ; núi đá thủng và những tích gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

 

Núi bàn tay Phật.

         

...đến trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ

           

Sau bữa trưa tại Nhà nổi Mường Trai, tiếp tục hành trình tìm về trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ, đang “ngủ yên” dưới lòng hồ sông Đà. Gần 2 giờ di chuyển bằng thuyền máy, chúng tôi đến Vịnh Bình Yên, bản Bình Yên, xã Chiềng Ơn, sản phẩm du lịch mới của Pá Uôn EcoLake đưa vào khai thác từ tháng 3/2022.

 

Ẩm thực đặc sắc của vùng lòng hồ sông Đà.

 

Nhà nổi Mường Trai phục vụ các món ăn dân tộc.

           

Vịnh Bình Yên nằm giữa hai bên là vách núi đá vôi cao dựng đứng, sừng sững như lá chắn bảo vệ vững chắc cho khu nhà nổi. Khuôn viên rộng, thoáng mát, được trang trí bằng chậu hoa, cây cảnh đẹp mắt, với tông màu vàng chủ đạo. Anh Đỗ Lệnh Đài, quản lý Vịnh, giới thiệu: Vịnh có diện tích 1,5 ha, trong đó, khu nhà nổi rộng trên 1.000m², gồm khu: Ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi và giải trí dưới nước. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi tháng, Vịnh đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.

 

Vịnh Bình Yên - địa điểm du lịch mới trên lòng hồ.

 

Một góc Vịnh Bình Yên.

 

Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên lòng hồ. 

           

Cách Vịnh Bình Yên khoảng 12 km là cầu Pá Uôn, cây cầu giữ kỷ lục cao nhất Việt Nam hiện ra. Với người dân Quỳnh Nhai, cầu Pá Uôn không chỉ có giá trị kết nối vùng miền, thông thương, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa, còn là biểu tượng và niềm tự hào. Những dải đất đồi trống, cỏ dại mọc um tùm 2 khu vực đầu cầu trước đây, giờ thành “đất vàng”, địa điểm thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp, trong đó có khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, Pá uôn Ecolake, Khách sạn Trung Kiên. Hằng năm, nơi đây còn tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc.

 

Cầu Pá Uôn nối đôi bờ sông Đà.

           

Lần đầu tiên tới tham quan, trải nghiệm lòng hồ sông Đà, anh Nguyễn Mạnh Hùng, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Lòng hồ sông Đà đúng là “Vịnh Hạ Long” trên vùng núi. Mặt hồ tĩnh lặng soi bóng dãy núi hai bờ, những đảo nhỏ nhô lên tạo khung cảnh hùng vĩ, bình yên. Mùa này, nước hồ dâng cao, mặt hồ mở rộng kết hợp với màn sương mỏng tạo nên khung cảnh huyền ảo thật mê hoặc. 

 

Du khách tham quan Đảo Trái tim...

 

...và thưởng thức các món ăn dân tộc.

 

Vịnh Uy Phong.

           

Sau khi tham quan Đảo Trái tim, Vịnh Uy Phong, chúng tôi tiếp tục ngược thượng nguồn thăm cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ được xây dựng trên đỉnh đồi tháp truyền hình.

  Cột mốc ẩn mình trong một nơi yên tĩnh, trên bãi đất trống chỉ nhô lên với hàng bậc thang trắng sáng giữa vạn rặng rêu xanh. Tới đây, du khách được nghe kể các câu chuyện về sự nhường đất, sẵn sàng di dời khỏi nơi "chôn nhau cắt rốn" của đồng bào các dân tộc nơi đây vì dòng điện của Tổ quốc.

 

Cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ.

 

Trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ.

 

Du khách check-in tại các đảo nổi trên lòng hồ.

           

Cơ duyên người lái thuyền hôm nay lại chính là một trong những cư dân của trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ. Cùng lên thăm cột mốc, ông Nguyễn Quang Hiển, kể: Năm 1966, khi đó mới 8 tuổi tôi đã theo bố mẹ rời quê hương Thái Bình lên sinh sống và lập nghiệp tại xã Mường Chiên. Nơi đây, là quê hương thứ 2 của ông. Cách cột mốc không xa về phía thượng nguồn là tượng phật A Di Đà linh thiêng, xuôi về hạ lưu là Miếu thờ Long Vương.

 

Đường về bản Bon.

         

Tour lòng hồ sông Đà không trọn vẹn, nếu bỏ qua bản Bon, xã Mường Chiên - nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trắng. Bến thuyền bản Bon mùa này nhộn nhịp, người dân đang tranh thủ thu hoạch lúa bán ngập. Con đường từ bến vào điểm du lịch được bê tông, rải nhựa khang trang, sạch đẹp, những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trắng còn giữ được nguyên bản. Du khách đến đây, ngoài trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng cùng người dân đi gặt lúa, lên rừng lấy rau, đánh bắt cá trên sông, thưởng thức ẩm thực, còn được trải nghiệm tắm khoáng nóng.

Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh lửa trại bập bùng, du khách trải nghiệm văn hóa Thái trắng, cùng bà con vui chung vòng xòe; thưởng thức tiếng đàn tính tẩu do chính nghệ nhân Điêu Văn Hịm - người được ví "Cuốn cẩm nang sống"  nắm giữ kho tư liệu quý về đán tính và các điệu khắp, dân ca Thái. Ở tuổi 84, tiếng đàn tính tẩu của ông Hịm nghe thân thương, gần gũi có hoài niệm và chứa đựng cả những kỳ vọng, ước mơ. Trước đây, những chàng trai trong bản thường mang cây đàn tính tẩu đi biểu diễn cho người con gái mà mình trộm thương, trộm nhớ thay cho lời tỏ tình.

 

Du khách trải nghiệm tại suối nước nóng bản Bon.

           

Khai thác du lịch, hiện nay, nhiều hộ ỏ bản Bon đã liên kết thành lập HTX Du lịch cộng đồng bản Bon. Chị Hoàng Thị Dung, Giám đốc HTX, chia sẻ: Năm 2018, HTX kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng 4 phòng tắm cá nhân, 1 khu bể tắm tập thể; dựng các cọn nước, làm cầu tre bắc dọc con suối Nặm Chiên để du khách tham quan. Mặt khác, kết nối với HTX Du lịch Quỳnh Nhai, Quỳnh Nhai Travel tổ chức các tour; duy trì hai đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Từ đầu năm đến nay, HTX đón hàng trăm khách du lịch, chủ yếu từ Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội.             

Sinh kế trên lòng hồ

           

Màn đêm buông xuống lòng hồ sông Đà thật đẹp, ánh đèn từ trên cầu Pá Uôn hay từ những lồng nuôi cá của người dân soi bóng xuống mặt hồ lung linh, huyền ảo. Thật may mắn, chúng tôi được vợ chồng chị Lù Thị Phóng, bản Pá Uôn, xã Mường Giàng, cho tham gia trải nghiệm cuộc sống mưu sinh về đêm trên lòng hồ. 1 giờ sáng, cùng gia đình chị Phóng đến địa điểm đặt rọ, lưới từ hôm trước để thu hoạch. Lần theo chiếc phao được đánh dấu, từng chiếc rọ được nhấc lên khỏi mặt nước, kéo theo những con cá, tôm tươi rói.

Chị Phóng, chia sẻ: Muốn bắt được nhiều cá, tôm, trước khi thả rọ, lưới cần tạo mồi và tính toán thời gian thả cho hợp lý. Gần 3 giờ sáng, mới hoàn tất việc thu lưới với thành quả gần 10 kg cá lăng, cá mương và tôm. 

 

Đêm trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

 

Cuộc sống mưu sinh của người dân trên lòng hồ.

           

Tiếp tục di chuyển đến khu vực lòng hồ thuộc địa phận bản Bỉa Ban, xã Chiềng Bằng để trải nghiệm đánh cá bằng vó đèn. Nằm giữa lòng hồ mênh mông, chiếc vó đèn của anh Là Văn Lấng được thắp điện sáng chói. Theo chia sẻ của anh Lấng, khoảng 20 giờ hằng đêm vó được hạ xuống, đến 3 giờ sáng, khi cá đã “say" mồi, thì bắt đầu kéo vó.

Lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, anh Lấng, cười nói: Đánh bắt cá bằng vó đèn không phải tạo mồi như đánh bắt bằng rọ tôm hay câu cá, chỉ cần hạ lưới xuống nước sâu chừng 4 - 5 mét và treo bóng điện chiếu sáng bên trên mặt nước để dụ cá. Mấy năm gần đây, được cán bộ tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ, tôi và nhiều hộ khác trong bản, xã đã thay lưới có cỡ mắt đúng quy định.

 

Thương lái mua cá tại bến thuyền Pá Uôn.

 

Người dân đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện.

           

Còn tại bến thuyền Pá Uôn, xã Mường Giàng, khoảng 4 giờ sáng, các thương lái đã đợi sẵn các thuyền đánh cá về bến. Tiếng người mời chào mua bán, ngã giá, phá tan không khí tĩnh lặng của buổi sáng sớm. Người mua cá về phơi, người mua cá mang bán lại tại các chợ.

Khi ánh bình minh ló dạng, một ngày mới bắt đầu cũng là lúc những người dân mưu sinh trên lòng hồ sông Đà trở về nhà để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến đánh bắt vào đêm tiếp theo. Nhờ nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên trên dòng sông Đà, đã giúp hàng trăm hộ dân sinh sống hai bên sông có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tham gia trải nghiệm đánh bắt cá trên sông ban đêm, cảm nhận không khí trong lành, nghe những kỹ năng, phương pháp đánh bắt cá thủ công, cũng là một trải nghiệm thú vị cho du khách khi chọn tour du lịch trên lòng hồ thủy điện sông Đà.

(Còn tiếp)

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới