Kỹ thuật thâm canh xoài an toàn

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2022, với mục đích hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng bền vững, tạo sản phẩm chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình quy mô 5 ha, trong đó, 2 ha tại xã Chiềng Mung (Mai Sơn) và 3 ha tại xã Lóng Phiêng (Yên Châu). Xin giới thiệu kỹ thuật thâm canh xoài an toàn như sau:

1. KỸ THUẬT CHĂM SÓC

* Lượng phân bón/1 ha:

Phân đạm Urê 570 kg; phân lân 620 kg; phân KaliClorua 330 kg; phân hữu cơ vi sinh 3.000 kg

* Thời gian, kỹ thuật bón:

Bón lần 1 (sau thu hoạch): 75% lượng phân hữu cơ vi sinh, 90% lân, 50% đạm, 50% kali. Cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 10-20 cm cho phân vào lấp đất lại, tưới nước.

Bón lần 2 (cây đã phân hóa mầm hoa): Bón hết số phân lân còn lại và 5% kali; dùng nước hòa tan phân để tưới, không bón đạm để tránh mọc các cành vượt.

Bón lần 3 (cây đã đậu quả): Bón 1/2 đạm và 1/2 kali còn lại. Xới nhẹ quanh tán cây để bón phân và tưới nước.

Bón lần 4 (bón thúc quả lớn, 6 tuần sau khi đậu quả): Bón hết số phân hữu cơ vi sinh, đạm và kali còn lại. Xới nhẹ quanh tán cây để bón phân và tưới nước.

Sau thu hoạch, cắt tỉa cành xong, có thể phun thêm phân bón qua lá có hàm lượng đạm cao, nhằm giúp lứa mầm mới ra đều và khỏe mạnh. Sau đó, dùng phân bón qua lá có hàm lượng lân cao, đạm thấp để thúc đẩy lá mau thuần thục và sớm ra hoa.

Từ 2-3 năm bón bổ sung phân chuồng đã xử lý ít nhất 6 tuần. Sau khi thu hoạch cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 20-30 cm cho phân vào lấp đất lại, tưới nước.

* Tưới nước:

Sau thu hoạch quả, cần bón phân tập trung và tưới nước bổ sung cho cây nếu cần.

Xoài cần khoảng 2 tháng khô hạn trước khi phân hóa mầm hoa. Vì vậy, sau khi xử lý ủ mầm hoa không tưới nước cho xoài. Khi cây nhú mầm hoa và trong thời kỳ ra hoa, đậu quả, mang quả non, nên tưới nước bổ sung cho cây.

* Tỉa cành tạo tán:

Thu hoạch xong cần cắt bỏ những cành đã mang quả hay không mang quả ở vụ trước (cắt sâu khoảng 10-12cm); cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán.

Khi cây ra lộc non, tiến hành tuyển lộc, chỉ giữ lại 2-3 lộc khỏe phân bố đều các hướng. Khi lá già, tỉa những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán và dọn vệ sinh vườn cây, giúp tán cây thông thoáng, chuẩn bị xử lý ra hoa.

* Tỉa quả và bao quả:

Tỉa quả khi kết thúc thời kỳ rụng quả sinh lý, lúc này quả non khoảng 30-35 ngày sau khi đậu quả.

Sử dụng các loại túi bao quả có khả năng chống thấm nước để tăng hiệu quả về mẫu mã, màu sắc quả sau khi bao. Tỉa quả xong thì bao quả. Trước khi bao quả, cần phun thuốc trừ sâu + thuốc bệnh + thuốc trị vi khuẩn. Tiến hành bao quả ngay sau khi phun thuốc 2-6 giờ.

* Kỹ thuật xử lý ra hoa:

Có thể sử dụng hoạt chất Pacloputrazol 10% để xử lý ra hoa xoài, nhằm rải vụ thu hoạch. Thu hoạch quả xong, bón phân theo các giai đoạn để thúc đẩy cây ra lộc đồng đều; cây phát triển đến tầng lộc thứ 2-3 thì xử lý ra hoa.

Khi lộc non chuyển từ màu đỏ sang màu xanh nõn lá chuối thì tưới + phun thuốc Pacloputrazol 10% để ủ mầm hoa. Sau đó, tưới nước (1 ngày/lần) trong vòng 10 ngày; ngừng tưới đến khi cây ra hoa.

Sau xử lý pacloputrazol từ 40-60 ngày thì phun các loại thuốc ra hoa, nở hoa đồng loạt.

Lưu ý: Xoài từ 4-10 năm tuổi, cây cần ra lộc 2-3 lần, sau đó cây mới có thể ra hoa. Xoài trên 10 năm tuổi chỉ cần ra lộc một lần là có thể ra hoa được.

2. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI

* Phòng trừ sâu bệnh chính theo IPM: Cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Trong đó, thực hiện các biện pháp canh tác: Làm đất, trồng xen cây cải tạo đất, chống xói mòn, giữ ẩm đất; trồng với mật độ hợp lý; vệ sinh vườn, cắt tỉa để hạn chế nguồn sâu bệnh; sử dụng dinh dưỡng cân đối... Nếu dịch hại phát triển mạnh có nguy cơ gây thiệt hại lớn, cần áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ.

Lưu ý: Sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, đúng đối tượng dịch hại trên cây xoài. Ưu tiên thuốc BVTV sinh học, thảo mộc.

* Chú ý phòng trừ sâu hại như:

Ruồi đục quả; sâu đục quả; bọ trĩ; rệp sáp lá; rệp sáp quả; rệp dính lá; rầy xanh lá; rầy hoa xoài; sâu cắt lá; sâu đục cành non.

* Bệnh đốm đen, chảy mủ:

Sau khi thu hoạch cần thu dọn sạch vườn, cắt bỏ những cành và lá bệnh, rồi đem tiêu hủy. Nên phun thuốc sau khi cắt tỉa, thu quả và nhất là sau các trận mưa.

* Bệnh thán thư:

Cắt bỏ những cành vô hiệu, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành tổn thương do thu hoạch, thu gom và đem tiêu hủy. Nên cung cấp nhiều phân hữu cơ cho cây kết hợp cung cấp nấm đối kháng Trichoderma vào đất xung quanh gốc cây. Phun thuốc gốc đồng để phòng bệnh còn tồn trên cành, lá, sát trùng vết thương sau khi cắt tỉa.

* Bệnh cháy:

Cắt tỉa bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh để giảm nguồn lây lan.

* Bệnh phấn trắng:

Cắt tỉa cành tạo tán cho cây phát triển mạnh; cung cấp phân bón đầy đủ. Trong giai đoạn cây ra hoa và tạo quả non, nếu thấy bệnh xuất hiện cần phun thuốc để phòng trị ngay.

* Bệnh nấm hồng:

Bệnh thường phát triển nặng trên những cây có tán lá rậm rạp và che khuất nhau, nhất là những tháng mưa ẩm. Do đó, cắt bỏ và tiêu hủy các nhánh nhiễm bệnh; phát hiện bệnh sớm và đánh chải vùng bệnh bằng dung dịch thuốc hóa học, như: Vanicide 5SL, Hạt vàng 50WP, Bonanza, Rovral, Validacin,...

* Bệnh khô cành thối quả:

Cần tránh gây bầm dập, rụng cuống quả khi thu hoạch. Tỉa cành kết hợp tỉa các bộ phận bị bệnh và tiêu hủy. Chọn mắt ghép sạch bệnh để tránh lây lan bệnh cho cây con. Phun thuốc phòng trị bệnh khi cần thiết.

Quả sau thu hoạch có thể xử lý bằng nước nóng 520C trong 10 phút cũng ngừa được bệnh thối quả và thán thư.

3. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

* Thu hoạch:

Thu xoài khi đã đủ già, quả xoài da bóng, vai đầy (cho một số mẫu quả vào chậu nước, nếu quả lơ lửng hay chậm nổi lên mặt nước là vừa). Nên thu quả theo từng đợt đậu quả.

Nên chừa cuống quả xoài từ 5 - 10 cm để nhựa không dính vào quả, giữ cho quả có mẫu mã đẹp; không nên xếp xoài thành đống lớn, tránh sây xát, dính nhựa.

* Bảo quản:

Xếp xoài vào thùng, có vật liệu hút ẩm. Cần xác định thời gian vận chuyển, bảo quản trước khi đến tay người tiêu dùng.

Hồng Luận (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới