Kịp thời hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được triển khai trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ, công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp (DN) tham gia BHTN.

Sản xuất trong giãn cách ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa).

Đánh giá về chính sách hỗ trợ này, các chuyên gia lao động, việc làm cho rằng Nghị quyết số 116 thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đồng thời phát huy vai trò của chính sách BHTN là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.

Chính sách này cũng thể hiện bản chất và vai trò, ý nghĩa của BHTN trong nền kinh tế, thị trường lao động. Tuy nhiên, điều người lao động đang băn khoăn là  trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách ban hành cần có hiệu lực ngay, giải ngân nhanh chóng, kịp thời giải quyết khó khăn của người lao động cũng như DN.

Để gói hỗ trợ nhanh đến với người lao động, các chuyên gia công đoàn cho rằng các cơ quan cần xác định rõ đối tượng, đơn giản hóa thủ tục và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai. Công tác hỗ trợ cần phải đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả, kiểm tra, đôn đốc, tránh trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện đưa ra nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp. Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ. Nhất là qua nắm bắt tư tưởng của đoàn viên, người lao động mong muốn để quyền lợi của họ được bảo đảm,  mong muốn tổ chức công đoàn chủ động, tích cực tham gia kiểm tra, giám sát triển khai Nghị  quyết để họ sớm được thụ hưởng chính sách.

Theo đánh giá của các nhà hoạch định chính sách, đây là gói hỗ trợ cho số lượng người lao động rất lớn. Tuy nhiên, việc chi trả hỗ trợ đối tượng này tương đối thuận lợi do đã có cơ sở dữ liệu về người lao động, DN. Vấn đề cần quan tâm là xác định rõ các đối tượng thụ hưởng, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc triển khai hỗ trợ nhanh chóng.

Để làm được điều này, cần thống kê các trường hợp người lao động tham gia BHTN trong DN được hưởng. Do nhiều DN thuộc đối tượng tham gia, nhưng có thể chủ DN không có ở đơn vị hoặc nhiều DN đã và đang tham gia nhưng gặp khó khăn chưa đóng được BHTN trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, một số đối tượng người lao động nghỉ chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp,... cũng cần phải tính đến. Những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN nhưng tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động cũng rất cần được hỗ trợ bởi họ chính là đối tượng đang gặp rất nhiều khó khăn khi tuân thủ quy định chống dịch, giãn cách, cách ly, chấp nhận nghỉ luân phiên, giãn việc tại DN.

Kịp thời hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp -0Giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm ở Hà Nội, chụp trước ngày 27/4/2021 (Ảnh minh họa: Đăng Khoa). 

Đối với DN, được giảm chi phí đóng BHTN là điều mong muốn của bất cứ người sử dụng lao động nào trong thời điểm khó khăn này, bởi giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN, cũng chính là hỗ trợ DN giảm chi phí. Đây là sự quan tâm, động lực để DN dành nguồn kinh phí phục hồi sản xuất, tiếp tục phòng, chống dịch. Do đó, các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa, không yêu cầu thủ tục qua nhiều cấp, nhiều văn bản.

Tuy nhiên, cũng cần có những quy định chặt chẽ, minh bạch tránh lợi dụng chính sách để trục lợi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo trình tự, thủ tục rút gọn; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương triển khai nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai, tiếp tục đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới