Kinh tế năng lượng và triển vọng

Ngày 14/12 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp hội Năng lượng, Hiệp hội tiết kiệm Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh tế năng lượng và triển vọng”.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia đại diện bộ, ngành tham dự.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết, Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió ở một số địa phương. Theo đó, dự kiến đến năm 2030: Cà Mau có thể phát triển 3.607 MW; Bình Thuận – 2.500 MW; Ninh Thuận – 1.409 MW; Trà Vinh – 1.608 MW; Sóc Trăng – 1.470 MW. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các chuyên gia của GIZ (Đức) đang nghiên cứu lập Quy hoạch phát triển toàn quốc, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Đối với năng lượng mặt trời, ông Vy nói rằng với khí hậu nhiệt đới, nguồn năng lượng mặt trời có thể sử dụng được hầu như trong năm với số giờ nắng bình quân trong năm từ 1.800 – 2.600 giờ. Việt Nam cũng có nguồn năng lượng mặt trời có cường độ bức xạ mặt trời trung bình ngày trong năm của cả nước khoảng 4,6kWh/m2/ngày – mức tốt so với bình quân toàn thế giới. “Thời gian gần đây nhiều địa phương và các doanh nghiệp đã nghiên cứu đẩy mạnh phát triển các dự án điện mặt trời”, ông Vy nói.

Mặt khác, theo ông Vy, Việt Nam cũng có các dạng năng lượng tái tạo khác như thuỷ điện, địa nhiệt, năng lượng đại dương với nhiều tiềm năng lớn.

Các tham luận tại hội thảo xoay quanh các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội dựa trên nghiên cứu, phát triển sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường nguồn năng lượng tái tạo cho tương lai bền vững, giải pháp tiết kiệm năng lượng tiên tiến. Mong muốn bảo đảm an toàn, an ninh theo tiêu chuẩn quốc tế cho các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt trong phát triển năng lượng tái tạo, từ đó có chính sách bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế, hội thảo sẽ góp phần tạo động lực cho việc từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến, phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển năng lượng, tiến đến phát triển ngành công nghiệp năng lượng, nâng tầm nền kinh tế năng lượng Việt Nam lên tầm khu vực và thế giới.

Điều này, cần sự tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế năng lượng, từ đó huy động tốt hơn các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển năng lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới