Kinh nghiệm cải thiện nguồn nhân lực địa phương gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở Ngọc Chiến

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Bởi du lịch cộng đồng là phương thức phát triển du lịch mà cộng đồng người dân địa phương là chủ thể của mọi hoạt động: bảo tồn, quản lý, khai thác vì vậy nguồn nhân lực ở đây là lực lượng lao động địa phương là chính. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với tỉnh Sơn La, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm tới 79%.

Thời gian qua, du lịch tỉnh Sơn La đã có bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch còn thiếu và yếu. Nhờ có sự quan tâm, định hướng của tỉnh, bám sát sự chỉ đạo, thực hiện các giải pháp chung, trong quá trình triển khai, ứng dụng, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Điển hình như xã Ngọc Chiến huyện Mường La, là địa phương còn nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng hạn chế; giao thông không thuận lợi. Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, Ngọc chiến thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc cải thiện, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí có mặt còn hạn chế, ít có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện kĩ thuật hiện đại. Chủ yếu sản xuất nông nghiệp truyền thống, dù đã có sự trao đổi hàng hóa, nhưng nhỏ lẻ, manh mún, chưa có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh dịch vụ, quản lý. Chất lượng nguồn nhân lực trẻ chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được yêu cầu thời đại mới.  Cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến đã có nhiều nỗ lực, đề ra những biện pháp chủ yếu sau để giải quyết khó khăn trên. Trước hết, có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động.

Chính quyền đóng vai trò kiến tạo, bởi vậy, Ngọc Chiến thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại già làng trưởng bản, người có uy tín; hội nghị toàn dân ở tất cả các bản, nhất là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Tại các hội nghị, lãnh đạo xã tập trung lắng nghe ý kiến, tiếp thu những mong muốn, nguyện vọng, góp ý, cũng như khơi dậy ý chí quyết tâm của nhân dân vào từng công việc cụ thể, thể hiện rõ phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Các ý kiến của nhân dân đều được tôn trọng, tiếp thu triệt để và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Chính quyền địa phương đã có cách làm sáng tạo, quyết liệt, nhằm phát huy vai trò, khơi dậy sự nhiệt thành của tất cả cán bộ công chức xã như: Thành lập Tổ công tác Ngày thứ 7 với dân, gồm 15 Tổ công tác của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, có trách nhiệm phụ trách 15 bản. Mỗi Tổ công tác có 3 - 5 đồng chí, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để thực hiện các chủ trương của Đảng ủy xã. Ban đầu dự kiến hàng tháng vào ngày thứ 7 của tuần thứ 4, các tổ công tác bắt buộc phải có mặt tại bản mình phụ trách và trực tiếp làm việc, ăn, ở cùng với dân. Sau khi đi vào thực hiện, đến thời điểm này, các tổ luôn sát với dân, cùng nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng ủy. Bên cạnh đó, làm tốt tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát thanh vào thứ 2, thứ 6 hàng tuần.

Cấp ủy, chính quyền địa phương có vai trò chủ đạo trong việc xây dựng chủ trương, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nhân lực địa phương cho công tác du lịch cộng đồng. Chính quyền xã thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ kinh doanh du lịch; xây dựng chương trình các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của các hộ kinh doanh du lịch, đồng thời lựa chọn các cơ sở đào tạo đủ năng lực tổ chức thực hiện.

Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình học tập, bồi dưỡng cho nông dân về định hướng đầu tư, kinh doanh; kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch. Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, kết hợp với việc học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn tại các địa phương trong nước. Hướng dẫn người dân, cộng đồng địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch, thái độ ứng xử văn minh đối với khách du lịch.

Chính quyền địa phương đã huy động toàn thể nhân lực vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, không để ai đứng ngoài cuộc. Chính quyền xã đã huy động toàn thể nhân lực địa phương, tổ chức tuyên truyền kêu gọi người dân không để ai ngoài cuộc; khéo léo lồng ghép trong các chương trình nông thôn mới vào việc phát triển du lịch cộng đồng. Thành lập các tổ nghệ nhân, bao gồm những người có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực văn hóa truyền thống; tổ chức lớp đào tạo con em địa phương; thành lập các đội văn nghệ dân gian là những người lao động tại địa phương; chuẩn bị thành lập hợp tác xã mây tre đan tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại chỗ là người dân tộc thiểu số; thành lập ngày thứ 7 với dân, nhằm huy động toàn bộ nhân lực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, góp đất, góp sức xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng mà không dùng đến ngân sách (còn gọi là chủ trương 0 đồng).

Quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo bồi dưỡng cho các đối tượng đoàn viên, thanh niên, lực lượng lao động tiềm năng là người bản địa nhằm nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, tạo việc làm tại chỗ. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho nhân lực du lịch nông thôn tập trung vào những nội dung chủ yếu về các kĩ năng và nghiệp vụ du lịch.

Tận dụng tất cả mọi nguồn lực hiện có trong việc hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực địa phương. Trong điều kiện kinh phí hạn chế, việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phát triển du lịch cộng đồng hết sức khó khăn, vì vậy chính quyền xã đã huy động những hộ kinh doanh du lịch cộng đồng thành công trên địa bàn trở thành báo cáo viên, hướng dẫn viên tập huấn cho đội ngũ nhân lực lao động trẻ trên địa bàn. Đối với những hộ gia đình có hướng kinh doanh du lịch cộng đồng, hoặc đang kinh doanh du lịch cộng đồng nhưng thiếu kinh nghiệm... xã mời các thầy cô giáo dạy tiếng Anh trên địa bàn hỗ trợ.

Phát huy vai trò chủ động, tích cực của doanh nghiệp, cộng đồng địa phương trong đào tạo bồi dưỡng nhân lực kinh doanh du lịch cộng đồng (đăng kí mở lớp đào tạo về du lịch hệ cao đẳng tại Trường cao đẳng Sơn La theo hình thức tự túc với số học sinh là người dân tộc thiểu số tại địa phương). Kết hợp nhuần nhuyễn giữa du lịch cộng đồng - du lịch nghỉ dưỡng-du lịch nông nghiệp - du lịch khám phá kết hợp với các hoạt động văn hóa của địa phương.

Trần Thị Bích Cảnh (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới