Kiểm tra CCHC, chấn chỉnh việc thực thi công vụ

Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020 của tỉnh Sơn La được Bộ Nội vụ đánh giá đạt 84,84%, tăng 2,91%, tăng 3 bậc so với năm 2019; xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Với mục tiêu tiếp tục cải thiện chỉ số PAR INDEX, tỉnh Sơn La tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị.

                                 

Đoàn kiểm tra liên ngành CCHC của tỉnh kiểm tra tại phòng chuyên môn thuộc Sở Lao động, Thương binh và xã hội.

           

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 đối với các sở, ban, ngành (bao gồm các đơn vị trực thuộc), UBND các huyện, thành phố (bao gồm các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã). Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC; thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm của CCHC: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử. Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số năng lực lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... 

           

Cùng đoàn kiểm tra liên ngành về CCHC thực tế tại một số sở, đơn vị, nhận thấy, ngoài việc kiểm tra, đoàn công tác còn kết hợp hướng dẫn các đơn vị nâng cao chất lượng văn bản, lưu trữ tài liệu, quy trình xử lý văn bản đi - đến trên hệ thống vnptioffice; niêm yết danh mục TTHC tại cơ quan, đơn vị; sắp xếp phòng làm việc, thực hiện việc đeo thẻ, quân số của đơn vị tại thời điểm kiểm tra, yêu cầu giải trình về trường hợp không có mặt...   

           

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có chỉ số CCHC năm 2020 đạt thấp, xếp thứ 20/20 các sở, ban, ngành của tỉnh. Với tinh thần cầu thị, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở, cho biết: Qua kiểm tra, giúp chúng tôi nhận thấy những hạn chế để có biện pháp khắc phục “điểm nghẽn” chỉ số thành phần, nhất là các chỉ số còn đạt thấp, phát huy những mặt tích cực, nhằm cải thiện điểm số, xếp hạng. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của sở và các đơn vị trực thuộc trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

           

Nghiêm túc khắc phục những hạn chế, năm 2021, Sở Lao động, Thương binh và xã hội đẩy mạnh chương  trình CCHC. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của ngành gồm 147 danh mục TTHC; tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi, chức năng của Sở gồm 11 TTHC cấp tỉnh; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đã đưa vào hoạt động dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 5 TTHC, mức độ 4 với 1 TTHC.

           

Đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành về CCHC đã kiểm tra tại 7/12 đơn vị theo kế hoạch. Qua kiểm tra, các cơ quan, đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số quản trị và hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số công nghệ thông tin năm 2021 và các năm tiếp theo. Niêm yết công khai thủ tục hành chính và số điện thoại đường dây nóng. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc và kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở; xây dựng Đề án vị trí việc làm, bố trí việc làm và giao cơ cấu ngạch theo quy định. Xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; công khai dự toán và quyết toán ngân sách; ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý văn bản và điều hành...

           

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản chưa thường xuyên và kịp thời. Việc rà soát, thống kê, công bố, đánh giá TTHC của một số ngành còn chậm. Bố trí số lượng người làm việc và thực hiện các quy định về số lượng cấp phó chưa đúng quy định; tỷ lệ các đơn vị được giao thực hiện tự chủ trên địa bàn một số huyện chưa đạt yêu cầu. Năng lực hạ tầng kỹ thuật về CNTT, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền điện tử trong giai đoạn hiện nay.

           

Công tác kiểm tra CCHC là biện pháp hiệu quả cần thực hiện thường xuyên, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC, chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại, đề xuất các biện pháp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ CCHC. Ghi nhận, biểu dương những cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, có đổi mới trong công tác CCHC nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; kịp thời chấn chỉnh, phê bình những cơ quan, đơn vị chưa chủ động, chưa tích cực trong thực thi công vụ. Đồng thời, thu thập thông tin phục vụ cho việc đánh giá, xác định Chỉ số CCHC năm 2021 của các cơ quan, đơn vị đảm bảo chính xác, góp phần nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của địa phương trong quá trình hội nhập và phát triển.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới