Kiểm soát, bình ổn các mặt hàng thiết yếu trước diễn biến của dịch COVID-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc bình ổn giá, chuẩn bị các nguồn hàng, nhu yếu phẩm cần thiết cho công tác phòng chống dịch; kiên quyết không để bị động trong cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân.

 

 

Hàng hóa tại siêu thị Vinmart Sơn La liên tục được bổ sung trong ngày.

 

Giá cả các mặt hàng thiết yếu không biến động lớn

 

Dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng phức tạp, nhất là từ đêm 6/3 đến nay, Việt Nam phát hiện thêm 4 ca lây nhiễm mới sau nhiều ngày không phát sinh thêm ca nhiễm bệnh. Trên các trang mạng xã hội, đưa nhiều thông tin một bộ phận người dân vì lo ngại dịch COVID-19 nên đổ xô vào các siêu thị, các chợ, trung tâm thương mại mua sắm hàng để dự trữ, khiến tâm lý người dân hoang mang, lo lắng, dễ dẫn đến chuyện khan hiếm hàng hóa “ảo”. Trên địa bàn tỉnh ta, khảo sát một số chợ, siêu thị trên địa bàn Thành phố, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường vẫn cơ bản ổn định, không có biến động lớn. Ghi nhận tại chợ 7/11, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, mì tôm, bánh đa... có xu hướng ổn định so với dịp Tết; giá các loại rau xanh như: su hào, bắp cải, súp lơ... tăng từ 15-20% từ thời điểm sau Tết Nguyên đán Canh Tý; giá thịt lợn giảm nhẹ so với thời điểm Tết Nguyên đán. Tham khảo tại cửa hàng gạo trên đường Nguyễn Lương Bằng, chủ cửa hàng cho biết, Ngày 7/3, lượng gạo bán ra tại cửa hàng tăng hơn hôm trước khoảng 3 tạ. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân là do người dân thường tranh thủ đi mua sắm vào những ngày cuối tuần.

 

Còn tại siêu thị Vinmart Sơn La, một trong những đơn vị đầu mối cung ứng hàng hóa tiêu dùng lớn của tỉnh, có rất đông người dân đến mua sắm. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc siêu thị cho biết: Lượng hàng hóa ngày 7/3 bán ra ước tính tăng 600% so với ngày hôm trước, chủ yếu là các sản phẩm mỳ tôm, gạo, khẩu trang, xúc xích, nước rửa tay... Chúng tôi đã huy động 40 thu ngân phân ca làm liên tục thời gian trong ngày để phục nhu cầu mua sắm của người dân. Ông Hiệp cho biết thêm: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch, chúng tôi cam kết đồng hành, đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá, không tăng giá hàng hóa. Để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, siêu thị đã niêm yết và thông báo bằng loa số lượng hàng hóa trên một lần thanh toán, mỗi khách hàng chỉ được mua không quá 3 sản phẩm nước rửa tay, 1 bịch giấy vệ sinh, 1 thùng mỳ gói, 10 kg gạo, 1 thùng sữa tươi hoặc sữa tiệt trùng. Khách hàng không phải lo lắng mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hóa rất dồi dào sẽ bổ sung liên tục trong ngày.

 

Bên cạnh một số mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, một số mặt hàng phục vụ y tế như: khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, dụng cụ khử trùng, khử khuẩn, các loại thuốc bổ, thuốc tăng sức đề kháng.... có sức mua tăng mạnh từ khi dịch bệnh bùng phát. Một số hiệu thuốc đã có tình trạng không còn khẩu trang và nước rửa tay để bán. Chị Nguyễn Thu Hồng, chủ cửa hàng thuốc Thu Hồng, đường Nguyễn Lương Bằng, cho biết: Trong sáng ngày 7/3, cửa hàng đã bán ra 30 lọ sát khuẩn, tăng gấp 2 lần so với ngày hôm trước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cam kết không tăng giá và bán theo giá niêm yết để phục vụ nhu cầu của người dân.

 

 

Hiệu thuốc cam kết không tăng giá và bán theo giá niêm yết để phục vụ nhu cầu của người dân.

 

Kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng

 

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, ngay từ đầu tháng 2 năm 2020, Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 25/KH-SCT ngày 7/2/2020 về Kế hoạch đảm bảo nguồn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống người dân trong thời gian chống dịch bệnh COVID-19, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, đảm bảo đủ cho tiêu dùng của nhân dân sử dụng trong thời gian dịch bệnh có thể kéo dài. Riêng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Xăng dầu, muối, mỳ tôm, mì chính, dầu ăn…, đã chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; khai thác các nguồn hàng từ các tỉnh và có kế hoạch nhập đủ lượng hàng để bán.

 

Bên cạnh đó, để kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, diễn biến dịch bệnh phức tạp để kiếm lời, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thành lập Tổ thường trực phòng chống dịch bệnh, tiếp nhận, xử lý thông tin các cá nhân, tổ chức kinh doanh vi phạm, thực hiện báo cáo 2 lần/ngày để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Viết Thông, Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Cục đã kiểm tra, giám sát và yêu cầu 513 cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Chỉ đạo các Đội QLTT giám sát chặt địa bàn, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh COVID-19.

 

Có thể nói, hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai quyết liệt và sát sao, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và tránh tình trạng hàng hóa tăng giá đột biến, người dân cần bình tĩnh, không mua sắm tích trữ hàng hóa; tuân thủ các hướng dẫn về y tế, hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên và theo dõi nguồn thông tin chính thống để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh đúng cách.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới