Khuyến nông trên vùng đất Sông Mã

Bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nắm bắt nhu cầu của nông dân cũng như thị trường, những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã đã tích cực triển khai nhiều chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, xây dựng mô hình khuyến nông giúp nông dân áp dụng và nhân rộng hiệu quả vào phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập.

 

Các hộ dân xã Yên Hưng (Sông Mã) tham gia Hội thảo thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức.

 

Sông Mã là một trong những địa phương của tỉnh có phong trào ứng dụng kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất phát triển mạnh, vài năm trước đây, rộ lên với những trang trại nuôi ba ba trị giá hàng tỷ đồng, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Thời điểm nghề ba ba đang “sốt”, trước nhu cầu tập huấn về kỹ thuật của nông dân trên địa bàn, Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã cử cán bộ sâu sát với cơ sở để tổ chức chuyển giao, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật nuôi ba ba hiệu quả, đồng thời, cũng thường xuyên thông tin thị trường cho các hộ dân có kế hoạch sản xuất. Ở mảnh đất vùng biên này còn có những nương nhãn phủ xanh dọc đôi bờ sông Mã tới các triền đồi. Trước đây, Sông Mã chủ yếu trồng các giống nhãn địa phương, việc đầu tư chăm sóc cây nhãn chưa tốt, năng suất chất lượng chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp. Mấy năm gần đây, những giống nhãn cũ được bà con cải tạo, cấy ghép giống nhãn mới quả to, cùi dày, ngọt nước, năng suất bình quân 10-12 tấn/ha, giá trị thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha. Trong Ngày hội nhãn sông mã vừa qua, người trồng nhãn Sông Mã đón nhận tin vui khi Cục Sở hữu trí tuệ đã trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Nhãn Sông Mã”. Trong kết quả đó, có sự đóng góp tích cực của Trạm Khuyến nông huyện với việc hướng dẫn bà con cải tạo vườn nhãn địa phương bằng cách ghép mắt, áp dụng kỹ thuật sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp người trồng nhãn thực hiện các biện pháp kỹ thuật, sản xuất nhãn an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Trên đây chỉ là một trong nhiều chương trình khuyến nông của Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã triển khai thực hiện trong thời gian qua, gồm: Chương trình khuyến nông cho các hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La, Chương trình xây lắp bể khí sinh học, nuôi lợn đực giống ngoại, cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... Đội ngũ cán bộ khuyến nông có ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trực tiếp ở cơ sở, giúp nông dân kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả và nhân diện các mô hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Không những vậy, họ còn đi đầu trong việc áp dụng tại gia đình mình để nông dân tin và làm theo. Trong 11 tháng năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức 227 lớp tập huấn cho 9.180 nông dân. Trong đó, tập huấn có kinh phí 3 lớp với 140 nông dân; tập huấn tự nguyện 224 lớp cho 9.040 nông dân; tổ chức 8 cuộc tham quan hội thảo với 1.010 nông dân tham gia; riêng chương trình khuyến nông vùng tái định cư thủy điện Sơn La, đã tổ chức 122 cuộc tuyên truyền, hướng dẫn cho hơn 2.250 hộ nông dân về phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản, cấy lúa theo phương pháp SRI; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, phòng chống sâu bệnh hại lúa… Bên cạnh đó, xây dựng 30 mô hình tự nguyện với 67 hộ thực hiện; triển khai mô hình chăn nuôi lợn đực giống ngoại tại các xã Chiềng Khoong, Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Sơ, Yên Hưng lợn sinh trưởng phát triển bình thường; cải tạo 194 con bò bằng thụ tinh nhân tạo; xây dựng mô hình thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP 5 ha, tại xã Yên Hưng, năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha... Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các hộ dân vùng tái định cư tiếp tục chăm sóc đàn bò sinh sản và dê đã được hỗ trợ từ các năm trước; đã tiến hành ghép nhãn cho 76 hộ, hiện nay, mầm nhãn ghép sinh trưởng phát triển tốt... Chương trình xây lắp bể khí sinh học tiếp tục được triển khai hiệu quả, đã xây lắp được 20 bể tại xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong và Thị trấn. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, tư duy của nông dân trong việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, tạo sản phẩm chất lượng có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiếp tục đồng hành cùng với nông dân, thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân; chú trọng triển khai thực hiện các mô hình trồng sản xuất rau an toàn áp dụng biện pháp tưới phun sương, mô hình trồng rau trong nhà lưới, trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP... tạo sản phẩm thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới