Không xa đâu Trường Sa

Đã 3 năm rồi, tôi vẫn nhớ như in chuyến tàu KN490 của lực lượng kiểm ngư Việt Nam đưa đoàn chúng tôi xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh tới quần đảo Trường Sa. Sau một ngày lênh đênh trên biển, nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là đảo Song Tử Tây. Còi tàu kéo một hồi dài báo hiệu cho cả đoàn để chuẩn bị lên đảo. Cánh phóng viên chúng tôi được ưu tiên lên đảo trước để ghi hình.

 

Một góc đảo Trường Sa lớn.

Từ boong tàu, nhìn khung cảnh hùng vĩ hiện ra trước mắt, những tia nắng vàng xuyên qua những đám mây, đảo Song Tử Tây dần hiện ra dưới ánh bình minh. Khoảnh khắc yên bình, bức tranh ngày mới độc đáo nơi đảo xa dần hiện. Chẳng biết quân và dân trên đảo chờ từ lúc nào mà chúng tôi đã thấy đứng vẫy tay chào đoàn tàu với nụ cười rạng rỡ. 2 con tàu CQ rời tàu mẹ, cùng với một số cano của đảo tiếp cận tàu KN490 để đón đoàn và những món quà của đất liền lên đảo.

Khác hẳn với những tư liệu trước đây tôi đọc được về quần đảo này. Nhờ công sức và bàn tay kiên trì của bao thế hệ quân dân, đảo đã ngập tràn màu xanh của cây trái, hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên một khung cảnh yên bình. Quân và dân trên đảo còn nuôi được cả gia súc, gia cầm và trồng nhiều rau xanh các loại, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống.

Song Tử Tây là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đảo có nhiều công trình dân sự, văn hóa tâm linh, như Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; chùa, nhà văn hóa, trường tiểu học, trạm khí tượng thủy văn của Nam Trung Bộ, âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn; đảo còn có một trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu cá ngư dân và nước ngọt miễn phí.

Rời Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục hành trình tới vùng biển Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Nơi này, cách đây 34 năm, máu của cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã hòa vào biển, các anh đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Sau lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa, con tàu KN490 rẽ sóng hướng mũi về thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nơi có hệ thống các nhà giàn DK1... Chúng tôi vinh dự được lên thăm nhà giàn DK1/12 thuộc khu vực biển Tư Chính. Đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế và quốc phòng. Hơn 30 năm qua, kể từ ngày Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập, bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại tình cảm riêng tư, những hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ để thực hiện nhiệm vụ trên các nhà giàn muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.

Tham quan một vòng quanh khối thép khổng lồ trên biển, chúng tôi vui mừng khi thấy cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã tận dụng những thùng nhựa, hộp xốp để trồng rau, đất thì được mang từ đất liền ra; các anh còn nuôi được cả gà, vịt và lợn. Giữa biển khơi thiếu thốn đủ thứ, thiếu nước ngọt, không có đất, vậy mà các chiến sĩ vẫn có thể tăng gia, chăm chút vườn rau xanh tốt, cải thiện bữa ăn, nâng cao sức khỏe.

Điểm đến cuối cùng trong hải trình, chúng tôi được thăm đảo Trường Sa lớn. Đây là hòn đảo đẹp nhất quần đảo Trường Sa. Đoàn chúng tôi đứng chào cờ dưới cái nắng oi ả của ngày hè, quốc ca vang lên hòa cùng sóng biển rì rào. Các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo thật là kiên cường, trước cái nắng, sóng gió và nước biển mặn, họ vẫn quyết tâm bám biển, giữ đảo. Trên các đảo trong quần đảo Trường Sa, chúng tôi thấy màu xanh của những cây bàng vuông, cây phong ba, những vườn rau xanh như thể hiện sức sống mãnh liệt giữa sóng gió khắc nghiệt.

Rời Trường Sa, chúng tôi không thể nào quên sự yêu thương, đoàn kết, gần gũi giữa quân và dân, giữa tình cảm của đất liền và biển đảo. Chúng tôi, những người ở đất liền, luôn hướng về hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không xa đâu, Trường Sa ơi... Bởi Trường Sa luôn trong trái tim mỗi người dân nước Việt Nam.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới