Không để bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát

Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, một số địa phương ở tỉnh Sơn La cũng đã xuất hiện dịch. Trước tình hình trên, các cấp, các ngành và cơ quan chức năng tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, giúp các hộ chăn nuôi tái đàn an toàn.

 

 

Người dân tiểu khu 2, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) tái đàn lợn.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 503.000 con lợn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 8 tháng qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh và tái dịch tại 15 xã, thị trấn thuộc 7 huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Đến thời điểm này, còn 5 bản thuộc 3 xã tại các huyện: Phù Yên, Sốp Cộp và Thành phố chưa qua 21 ngày để công bố hết dịch, không có ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi mới. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, do giá lợn thịt tăng cao, chăn nuôi lợn đang có lãi nên người dân đang tích cực tái đàn.

 

Chị Nguyễn Thị Du, tiểu khu 2, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn), chia sẻ: Hiện, lợn hơi bán tại chuồng có giá 80.000-85.000 đồng/kg. Một con lợn nuôi từ 5-6 tháng, đến lúc bán, trừ hết chi phí sẽ có lãi từ 4-5 triệu đồng/con. Gia đình tôi đã mua thêm lợn giống để tái đàn, hi vọng sẽ bù đắp được thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019 gây ra. Hiện, gia đình tôi có hơn 30 con lợn thịt và hơn 40 con lợn giống mới mua. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch tả vừa qua, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn; gia đình thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại, bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nâng sức đề kháng cho đàn lợn.

 

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan là do một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua lợn giống từ các chợ không rõ nguồn gốc. Khi lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, một số người dân không báo cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm, mà tìm cách bán hoặc tự giết mổ để bán ra thị trường, làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, do tình hình thời tiết diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, khiến nguy cơ bệnh dịch tái phát.

 

Để bảo vệ đàn vật nuôi, giúp người dân thực hiện tái đàn lợn hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành các vản bản chỉ đạo về việc tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm “dập dịch như chống giặc”; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan trên diện rộng...

 

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết:  Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; đề nghị các huyện, thành phố thành lập đoàn công tác có cán bộ thú y trực tiếp đến các xã, bản có bệnh dịch tả lợn châu Phi để xử lý ổ dịch. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh ngay khi còn trong diện hẹp. Bên cạnh đó, Chi cục cũng hướng dẫn Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp với các xã, thị trấn giám sát lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để có cơ sở cảnh báo, ứng phó dịch bệnh, khuyến cáo việc sử dụng vắc-xin phù hợp với tình hình dịch bệnh... Đặc biệt, phải tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi nâng cao ý thức, thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc mua bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ động vật ra, vào địa bàn...

 

Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan rất cao. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống, quyết tâm không để bùng phát; có giải pháp hỗ trợ hộ chăn nuôi tái đàn một cách an toàn, đảm bảo cung cấp đủ thịt lợn trên thị trường cho những tháng cuối năm.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới