Không có chuyện “cò mồi tem” tại các điểm bán đào ở Vân Hồ

Đào trồng dán tem nhộn nhịp về xuôi

 

Đã giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng hàng trăm điểm bán hoa đào dọc theo quốc lộ 6 từ địa phận huyện Mộc Châu đến huyện Vân Hồ vẫn hết sức nhộn nhịp. Từng đoàn xe ngược xuôi, mang theo những cành đào dán tem "thương hiệu", mang theo cả niềm vui của những người dân nhiều năm nay đã gắn bó với việc trồng đào bán dịp Tết. Cành đào của Mộc Châu, Vân Hồ được bày bán trên nhiều tuyến phố của Hà Nội và được nhiều khách hàng ưa chuộng.

 

 

Người dân huyện Vân Hồ dán tem trước khi mang bán.

 

Bản Co Tràm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ là một trong những điểm bán cành đào nhiều nhất trên địa bàn, thu hút nhiều khách mua đào. Những cành đào trồng ở đây khá đẹp, nụ nhiều, bắt đầu nở hoa, giá cả cũng phải chăng, đa số các cành có giá khoảng 500 nghìn đến 700 nghìn/cành. 

 

Ông Mùa A Sứ, vừa bán hàng vừa nhanh nhảu giới thiệu: Đào của chúng tôi đã có thương hiệu từ lâu, nhưng để khẳng định và truy xuất nguồn gốc xuất xứ thì năm nay huyện Vân Hồ mới làm được. Trưởng bản đem tem đến tận nhà, kê khai số đào trồng rồi phát tem cho chúng tôi. Tem có 2 loại, kích thước 4 x 15cm và 4 x 20 cm, giá từ 1.500 đồng – 2.000 đồng/cái. Việc dán tem vừa để thuận lợi trong việc vận chuyển, vừa để quảng bá, xác nhận nguồn gốc xuất xứ của cây đào trồng trên địa bàn huyện Vân Hồ. Tem hết chỉ cần gọi điện cho Trưởng bản là có người đem tem đến tận nơi, nhanh và thuận tiện lắm, không phải mất thêm bất cứ chi phí nào. Có tem dán vào cành đào thì thương hiệu “Đào Vân Hồ” sẽ có mặt ở khắp nơi, nhiều người biết đến. Đặc biệt, khi dán tem vào thì giá trị cành đào tăng lên. Mọi năm nếu không có tem, giá chỉ 500 nghìn đồng/cành, nhưng năm nay khi dán tem vào tăng lên 700 nghìn đồng/cành. Đa số người mua thích dán tem “Đào Vân Hồ”, vì đã mua được cành đào chính hiệu.

 

 

Cán bộ xã Lóng Luông (Vân Hồ) hướng dẫn người dân trên địa bàn dán tem vào cành đào.

 

Tưởng chúng tôi là khách mua đào với số lượng lớn, ông Mùa A Sứ gọi thêm anh Mùa A Là, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Co Tràm, xã Lóng Luông cùng sang để giới thiệu thêm về đào Vân Hồ. Được biết, với khách hàng mua nhiều thì người bán hàng sẽ gọi điện cho cán bộ xã làm giấy xác nhận là đào trồng, sau đó sẽ dán tem cho cành đào để việc vận chuyển được thuận tiện, chi phí từ 1.500 đồng - 2.000 đồng/tem.

 

Cán bộ xã Lóng Luông (Vân Hồ) cấp phát tem cho các trưởng bản.

 

Anh Mùa A Là cho biết: Gần 20 ngày nay, tôi cứ tất bật với bà con để đi lấy giấy xác nhận của xã về đào trồng, rồi phát tem tận nơi cho bà con, để các thương lái chở về các tỉnh dưới xuôi. Vất vả một chút nhưng phấn khởi lắm, khách mua nhiều, người dân chúng tôi cũng thu nhập khá từ đào trồng mỗi dịp Tết, nhà nhiều nhất như ông Mùa A Sứ, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ bán cành đào, các hộ trong bản cũng thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. 

 

Không có chuyện “cò mồi tem” 

 

Vẫn câu chuyện về tem “Đào Vân Hồ”, đầu tháng 2 có một số thông tin phản ánh về việc người dân ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, khi bán đào phải mua tem với giá 10.000 đồng/cái và khi nào có khách chốt mua cây, họ mới quay về Ủy ban xã lấy tem. 

 

Người dân bán đào trồng tại bản Co Tràm, xã lóng Luông (Vân Hồ).

 

Mang băn khoăn này hỏi Bí thư chi bộ, Trưởng bản Co Tràm Mùa A Là, anh khẳng định: Vừa rồi  chúng tôi kiểm tra lại thông tin rồi. Người được viết trên báo là Sùng A Tủa, trú tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình), chứ không phải Xồng A Túa. Anh này không phải người dân tộc Mông của xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ) chúng tôi. Anh này thường đi lấy cành đào ở nơi khác về bán tại khu vực giáp gianh với bản chúng tôi. Do không phải đào trồng của bản nên không thể có tem để dán vào cành đào được và cũng không thể về xã Lóng Luông lấy tem được. Ở đây, không hề có “cò mồi tem” hay người dân phải mua tem với giá 10.000 đồng/cái đâu. 

 

Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo xã Lóng Luông, ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Xã đã phát hết số tem cho các trưởng bản, không có chuyện người dân bán được cành đào rồi mới quay về xã lấy tem với giá 10.000 đồng/cái. Nếu có việc mua tem với giá 10.000 đồng/cái thì chỉ có thể là người dân bán cho nhau, đây là việc cá nhân nên xã không thể quản lý được. 

 

 

Người dân bản Co Tràm, xã lóng Luông (Vân Hồ) dan tem vào  cành đào để vận chuyển về xuôi.

 

Cũng vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Hợp Cường, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, được biết: Trước thông tin báo chí nêu, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra tại các xã, bản và không phát hiện việc mua bán tem. Trước đó, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Văn hóa - Thông tin cấp phát kịp thời hết số tem được in tới các xã theo nhu cầu đăng ký, để người dân sẽ bán kịp thời số đào trồng ra thị trường trong dịp Tết. Cụ thể: Huyện đã phát hành 2 loại tem, số lượng khoảng 35 nghìn cái, với giá từ 1.500 đồng – 2.000 đồng/cái. Số tem này đã được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cung cấp cho các xã theo nhu cầu đăng ký, gồm: Lóng Luông 15.000 cái; Vân Hồ 14.000 cái; Chiềng Khoa 5.000 cái; Liên Hòa 500 cái.

 

 

Các thương lái thu gom cành đào ở bản Co Tràm, xã lóng Luông (Vân Hồ) vận chuyển về xuôi.

"Việc dán tem vào đào trồng để phân biệt và truy rõ nguồn gốc xuất xứ của đào trồng, hơn nữa để quảng bá hình ảnh cây đào của huyện Vân Hồ, đồng thời đem lại thu nhập cho người dân từ việc trồng đào, chứ không mang tính chất vụ lợi từ việc dán tem", ông Cường trao đổi thêm.

Các xe thu mua cành đào ở bản Co Tràm, xã Lóng Luông (Vân Hồ) tấp nập vận chuyển đào về xuôi. 

Việc tiên phong cấp tem chứng nhận cho đào do người dân trồng trên đất nông nghiệp để đưa ra chợ bán trong dịp Tết đã giúp tạo nên thương hiệu cho đào Vân Hồ, Mộc Châu và nâng cao thu nhập từ bán cành đào cho người nông dân. Đây cũng là việc làm đáng khuyến khích để cành, cây đào bán chơi Tết sẽ là một sản phẩm nông nghiệp mới mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong dịp Tết cổ truyền hàng năm.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới