Khơi dậy tiềm năng du lịch Mường Chiên

Nhắc đến xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai), gợi nhớ về một phố huyện nhộn nhịp năm nào. Sau di chuyển phục vụ công tác tái định cư thủy điện Sơn La, Mường Chiên hôm nay vẫn giữ nguyên bản sắc của vùng dân tộc Thái trắng với những ngôi nhà sàn, những con người đôn hậu, sống hòa mình với núi rừng. Huyện Quỳnh Nhai đang quan tâm đầu tư để Mường Chiên trở thành điểm du lịch cộng đồng, điểm đến hấp dẫn cho các du khách gần xa.

 

Một buổi tập luyện của đội văn nghệ bản Bon, xã Mường Chiên.

Điểm nổi bật nhất ở khu du lịch Mường Chiên, đó là suối nước nóng bản Bon, đây là điểm du lịch nghỉ dưỡng, tắm khoáng chữa bệnh và vui chơi giải trí cuối tuần. Du khách vừa có thể tổ chức các hoạt động vui chơi, ăn uống kết hợp với tắm khoáng nóng chữa bệnh, nước suối ở đây có đầy đủ những khoáng chất với độ tinh khiết nguyên sơ có lợi cho sức khỏe của con người, chữa các bệnh như thấp khớp, đau dạ dày, bệnh đường ruột... đem lại sự thư thái và dễ chịu. Đến Mường Chiên, du khách tùy theo sở thích, có thể ngâm mình thư giãn trong làn nước khoáng trong vắt hay đi thuyền dọc sông Đà thưởng ngoạn khung cảnh hữu tình hai bên bờ, và khám phá các hang động ở bản Bon, bản Quyền...

Chị Hoàng Thị Dung, Chủ nhiệm CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cho biết: Phần lớn những ngôi nhà ở Mường Chiên vẫn giữ được kiến trúc đặc trưng của dân tộc Thái, du khách có thể đi bộ vòng quanh bản, tham quan một số nhà vườn, nghe giới thiệu về nhà sàn, bản làng, xem dệt thổ cẩm, trải nghiệm với khung cửi và chụp hình, trò chuyện với bà con, trẻ em, xem bà con làm bánh, nấu rượu... mua những sản phẩm thủ công để làm quà cho bạn bè, người thân và thưởng thức ẩm thực dân tộc Thái như: cơm lam, xôi màu, xôi nếp tan, chéo, nộm da trâu, cháo mắc nhung, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại rượu... và giao lưu văn nghệ cùng các cô gái Thái thướt tha trong từng điệu múa, vòng xòe... Để tổ chức tốt những hoạt động này, vừa qua, chúng tôi đã thành lập CLB “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái trắng” với 20 thành viên, CLB “Văn hóa ẩm thực Mường Chiên” với 13 thành viên với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Mường Chiên còn có một số hạn chế, đó là: Điều kiện hạ tầng du lịch chưa phát triển đồng bộ, người dân địa phương chưa nhận thức đầy đủ về phát triển du lịch; khái niệm du lịch và kinh doanh du lịch còn khá mới mẻ đối với họ. Việc tổ chức lễ hội, tham gia lễ hội chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của đồng bào hơn là hướng tới mục tiêu kinh doanh phục vụ khách. Tài nguyên du lịch của Mường Chiên vẫn chỉ mới ở dạng tiềm năng, đã lập dự án đầu tư nhưng công tác triển khai còn chậm. Một số hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch bước đầu đã hình thành nhưng mới mang tính tự phát, chưa thể biến tiềm năng thành những sản phẩm du lịch cụ thể để thu hút khách du lịch.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lường Văn Bình, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để thực hiện dự án du lịch cộng đồng trên địa bàn xã, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch giao ban văn hóa xã và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng bản về các vấn đề như: vệ sinh môi trường, chỉnh trang khu vực nhà ở đối với các hộ đăng ký kinh doanh Homestay, 17 đội văn nghệ duy trì tập luyện thường xuyên... Ngoài việc tôn tạo khu vực suối nước nóng bản Bon; xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại bản Quyền, bản Hua Sát gắn với du lịch trên lòng hồ thủy điện... Trong năm 2018, chúng tôi đã và đang thực hiện quy hoạch bản du lịch cộng đồng bản Bon với các hạng mục: Cổng chào, nhà chờ bến thuyền, kè ốp mái dưới nước, khuôn viên, đường dạo, đường xuống bến... phấn đấu đến năm 2020, Mường Chiên trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn của Sơn La và vùng Tây Bắc.

Để khai thác tiềm năng du lịch của xã Mường Chiên, cần sự chung tay của các cấp, các ngành, giúp người dân từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.  

Thủy Tiên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới