Khoa học và Công nghệ phục vụ đắc lực phát triển KT-XH

Trong những năm qua hoạt động khoa học và công nghệ đã có những bước phát triển tích cực, cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động KH&CN được đổi mới; năng lực nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội được nâng lên; nhiệm vụ KH&CN, dự án xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt được đẩy mạnh... khẳng định vai trò, vị trí của KH&CN đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra tiến độ Đề tài “Trồng thử nghiệm một số giống táo mới có năng suất cao,

chất lượng tốt tại Sơn La” trên địa bàn xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Với đặc thù của tỉnh miền núi, kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, từ đó hoạt động khoa học công nghệ cũng định hướng nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2018, tỉnh ta triển khai 31 nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ năm 2017 sang và 8 nhiệm vụ phê duyệt mới năm 2018, trong đó tập trung vào các đề tài, dự án phát triển nông nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao hướng đến xuất khẩu. Các nhiệm vụ đã nghiệm thu và đang triển khai góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến. Nổi bật trong lĩnh vực nông, lâm, nghiệp phải kể đến Dự án “xây dựng mô hình nhân nuôi ong mật (Apis cerana) nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với vườn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở huyện Sốp Cộp”.

Các dự án khoa học và công nghệ luôn hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân, điển hình như Dự án “Xây dựng mô hình bảo quản, chế biến và tiêu thụ quả Sơn Tra” trên địa bàn huyện Bắc Yên, đã thử nghiệm chế phẩm sinh học để kéo dài thời gian bảo quản trên cây, thiết kế, lắp đặt kho bảo quản lạnh, thử nghiệm bảo quản 40 tấn sản phẩm quả tươi để kéo dài thời gian nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Kết quả cho thấy, áp dụng phương pháp này có thể kéo dài thời gian bảo quản lên 2 tháng tạo nguồn nguyên liệu lâu dài cho chế biến. Dự án đã sản xuất được hơn 10.000 kg sơn tra sấy dẻo và 20.000 lít nước uống lên men đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc triển khai dự án không chỉ góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm chế biến từ quả sơn tra, không chỉ cho huyện Bắc Yên mà còn là cơ sở để các huyện có tiềm năng và điều kiện phát triển cây sơn tra ứng dụng để nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm 2018 là năm thành công trong công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, đã có rất nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Với vai trò là cơ quan quản lý các nhãn hiệu đã được chứng nhận, sở Khoa học và Công nghệ cùng với các huyện đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 79 cá nhân, 40 doanh nghiệp, HTX có sản phẩm được đăng ký bảo hộ, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 16 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý; 9 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận (Chè Olong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, táo Sơn tra Sơn La, bơ Mộc Châu, na Mai Sơn, chè Phổng Lái Thuận Châu, nếp tan Mường Và Sốp Cộp); 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể (Chè Tà Xùa Bắc Yên, mật ong Sơn La, khoai sọ Thuận Châu), 1 sản phẩm đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường Thái Lan là chè Shan tuyết Mộc Châu. Sở Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu cho 7 sản phẩm, gồm: chuối Yên Châu; chanh leo Sơn La, mận hậu Sơn La, rau an toàn Sơn La, xoài Sơn La, nhãn Sơn La và bơ Sơn La. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực làm thay đổi nhận thức của người nông dân trong sản xuất các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương; đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập của bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh, trong năm đã lựa chọn 43 giải pháp đạt sáng kiến cấp tỉnh, các giải pháp đều có hiệu quả và có khả năng ứng dụng vào thực tế; triển khai hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN cho Hợp tác xã Đồng Tiến và Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu xanh, kiểm tra Nhà nước về an toàn bức xạ tại 18 cơ sở X-Quang y tế, thẩm định hồ sơ cấp phép mới gia hạn giấy phép của 19 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; tiến hành 5 cuộc thanh tra về lĩnh vực KH&CN với tổng số 71 cơ sở... Công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN, thông tin và thống Kê KH&CN, xây dựng và áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 và các hoạt động khác cũng được sở Khoa học và Công nghệ quan tâm triển khai, đạt hiệu quả và có sự chuyển biến tích cực.

Phát huy những kết quả đạt được, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động KH&CN; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội; tham mưu triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La; thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực và phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật để ngày càng có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào đời sống, lao động, sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới