Khoa học công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ có bước phát triển tích cực, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều mô hình sản xuất mới được ứng dụng và nhân rộng, góp phần quan trọng phục vụ sản xuất đời sống, phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 

 

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tình hình thực hiện Đề tài “Trồng thử nghiệm một số giống táo mới tại Sơn La”.

 

Điểm lại kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học công nghệ, đồng chí Phạm Quang An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: Năm 2019, toàn tỉnh triển khai 37 nhiệm vụ KH&CN, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Hằng năm, Sở định hướng các sở, ngành tập hợp các đề xuất của người dân, doanh nghiệp, HTX phối hợp với nhà khoa học để xem xét, đánh giá tính thực tiễn, hiệu quả trước khi đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ. 

 

Với đặc thù của tỉnh miền núi, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên hoạt động khoa học công nghệ định hướng nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ chương trình phát triển cây ăn quả của tỉnh được chú trọng triển khai thực hiện. Điển hình là Đề tài cấp Quốc gia “Giải pháp KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất nhãn bền vững tại Sơn La và các tỉnh phía Bắc”. Tại Sơn La, Đề tài đã thu thập, tuyển chọn được một số cây nhãn có đặc tính tốt để thu thập mắt ghép, tiến hành nhân giống trồng khảo nghiệm một số giống nhãn có triển vọng; nghiên cứu hoàn thiện biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng quả; xây dựng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, giúp người dân có kỹ thuật canh tác, đưa giống mới vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

 

Các đề tài, dự án đang triển khai đã góp phần đánh thức tiềm năng, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nổi bật như: Nhân rộng 14 mô hình nhân giống và nuôi dê lai thương phẩm ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, trên cơ sở được hỗ trợ về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, các hộ dân đã phát triển giống dê lai, nâng cao kinh tế hộ gia đình... hay Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống xoài tròn Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý” đã tiến hành các bước công nhận 19 cây đầu dòng, tổ chức ghép cải tạo vườn xoài có năng suất thấp, chất lượng kém, sâu bệnh nhiều tại địa phương bằng mắt ghép của cây đầu dòng, trồng mới 3 ha và nhân giống xoài tròn bằng phương pháp ghép...

 

Ngoài ra, công tác sở hữu trí tuệ luôn được Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm. Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương và địa phương, các sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu. Các sản phẩm sau khi đăng ký bảo hộ thành công, như: Cá tầm Sơn La, cá sông Đà Sơn La; táo sơn tra Sơn La; chè Phổng Lái Thuận Châu, khoai sọ Thuận Châu; nếp Mường Và Sốp Cộp; na Mai Sơn, bơ Mộc Châu, nhãn, xoài Sơn La đã bước đầu phát huy hiệu quả, một số sản phẩm tham gia các chuỗi liên kết tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Việc phát thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh làm tiền đề cho xuất khẩu sang thị trường Australia, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản... Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp triển khai các nội dung 3 dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu, gồm: Nhãn Sơn La, bơ Sơn La, xoài Sơn La. Tổ chức các hội đồng tư vấn, tuyển chọn tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm thực hiện dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận rượu Hang Chú, thanh long Sơn La, gạo Phù Yên; duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “Yên Châu” cho sản phẩm quả xoài tròn của huyện Yên Châu; đăng ký bảo hộ 2 sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Trung Quốc.

 

Phát huy những kết quả đạt được, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; phối hợp với các sở, ngành, trường đại học, cao đẳng trong công tác đề xuất, nghiên cứu khoa học về công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh, duy trì và phát triển các sản phẩm đã được cấp bằng bảo hộ, khuyến khích thực hiện nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới