Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển KT-XH, xây dựng huyện phát triển khá trong tỉnh

Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Yên Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc trong huyện tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng huyện ngày càng đổi mới và phát triển.

Quản Thị Dung

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,

Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Châu

 

Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài (Yên Châu)

Nơi xây dựng Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.

Yên Châu là huyện miền núi, biên giới, có 85.775 ha đất tự nhiên. Huyện có 15 xã, thị trấn, hình thành 2 vùng: Vùng thấp (vùng quốc lộ 6) gồm 9 xã, thị trấn; vùng cao và biên giới gồm 6 xã. Mạng lưới giao thông liên tỉnh, liên huyện khá phát triển, tạo thuận lợi cho Yên Châu trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và khả năng thu hút vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, huyện có 47 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có cửa khẩu phụ Nà Cài, góp phần quan trọng trong việc giao thương, phát triển kinh tế.

Xác định nông nghiệp là thế mạnh, huyện đã tích cực chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Thực hiện Thông báo số 121-TB/TU ngày 30.11.2015 của Tỉnh ủy Sơn La, thông báo Kết luận của Ban Thường vụ tỉnh ủy về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020, huyện  đã chỉ đạo rà soát diện tích đất trồng cây hàng năm trên đất dốc có nhu cầu chuyển sang trồng cây ăn quả giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn toàn huyện. Năm 2016, trồng mới 944 ha cây ăn quả có thế mạnh của huyện như xoài, chuối, nhãn, mận hậu, trong đó trồng mới 120 ha cây ăn quả trên đất dốc tại đèo Chiềng Đông. Đồng thời, tích cực áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện ghép các giống cây ăn quả năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, toàn huyện đã ghép được 900 ha xoài Thái và xoài Đài Loan, nhãn chín muộn, bước đầu cho thu nhập cao, nâng diện tích cây ăn quả trong huyện lên 3.367 ha, (767 ha xoài, 903 ha nhãn, 434 ha chuối, 1.023 ha mận, còn lại là các loại cây ăn quả khác), trong đó 1.819 ha đã cho sản phẩm, với sản lượng 15.016 tấn quả/năm. Thu nhập của các hộ trồng cây ăn quả được nâng lên, nhiều hộ đạt từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm, tập trung ở các xã: Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài. Huyện còn liên kết với Viện Nghiên cứu rau quả Hà Nội tổ chức triển khai xây dựng mô hình cây ăn quả, rau, hoa, bảo quản chế biến trên địa bàn các xã Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt, Tú Nang. Năm 2016, huyện đã tổ chức công bố chỉ dẫn địa lý, thương hiệu xoài tròn Yên Châu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi được duy trì và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn gia súc, gia cầm gần 400.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng bán trên thị trường đạt 3.049 tấn...

Nông dân xã Mường Lựm (Yên Châu) thu hoạch lúa nếp tan Mắc Đươi.

Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XX về xây dựng nông thôn mới, các xã đã triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Riêng năm 2016, xây dựng được 87 công trình đường giao thông đến bản, nội bản, nội đồng, với trên 42 km, trong đó nhà nước hỗ trợ gần 15 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 31 tỷ đồng. Huyện có xã Chiềng Pằn đã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2018, có thêm xã Viêng Lán đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Bước đầu thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các cấp học tiếp tục phát triển nhanh về quy mô trường, lớp; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, giữ vững phổ cập THCS và thực hiện giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tính từ sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX đến nay, có 5 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường học trong toàn huyện đạt chuẩn quốc gia lên 21 trường (đạt 31,8%). Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế được quan tâm, mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong huyện. Yên Châu có 3 xã: Chiềng Pằn, Chiềng Sàng, Chiềng Khoi đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng, chú trọng giữ gìn, xây dựng, phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Tích cực triển khai công tác rà soát, quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện cho phát triển du lịch danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện như hang Chi Đảy, hồ Chiềng Khoi...

Vòng xòe bá vai - nét văn hóa truyền thống ở Yên Châu.

Hiện nay, Đảng bộ huyện Yên Châu có 66 chi, đảng bộ cơ sở, gồm 17 đảng bộ cơ sở, 49 chi bộ cơ sở; 291 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với trên 5400 đảng viên. Thời gian qua, công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên các mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Các tổ chức đảng trong toàn huyện đã tổ chức học tập, tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, quy trình công tác; các khâu tuyển dụng, đánh giá quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bố trí sử dụng, đề bạt và thực hiện chính sách cán bộ công khai, dân chủ chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định...

Xoài tròn (Yên Châu) đã được gắn tem thương hiệu. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Yên Châu tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong huyện chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ. Trong đó, đẩy mạnh phát triển cây ăn quả ở những vùng có điều kiện; đưa các giống mới năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, được thị trường chấp nhận vào sản xuất; từng bước chuyển diện tích trồng ngô, lúa nương năng suất thấp sang trồng cây có lợi thế hàng hóa. Ưu tiên phát triển đại gia súc gắn với trồng cỏ ở các xã vùng cao biên giới; tăng mạnh quy mô đàn, phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các xã dọc quốc lộ 6… Củng cố liên kết 4 nhà trong sản xuất; khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa… Phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới