Khai thác lợi thế phát triển nguồn lợi thủy sản

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 14/7/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2015-2020, tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực; thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào phát triển thủy sản; thay đổi phương thức sản xuất thủy sản từ sản xuất nhỏ manh mún sang sản xuất hàng hóa, tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân.

 

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La tại bản Ban Xa, xã Liệp Tè (Thuận Châu).

Thực hiện Nghị quyết số 34 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14 thông qua Đề án khai thác tiềm năng vùng hồ các thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về: Phê duyệt kế hoạch chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2020; kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Phê duyệt 3 quy hoạch trong lĩnh vực thủy sản, gồm: Hệ thống sản xuất thủy sản tại khu vực lòng hồ thủy điện; bãi cá đẻ, bãi sinh vật thủy sản còn non thuộc hồ chứa thủy điện Sơn La và rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Sơn La đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai công tác nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn quản lý.

Để khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào phát triển thủy sản, HĐND tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết, gồm: Nghị quyết số 88 về ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết số 57 về chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 76 về chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021. Giai đoạn 2015-2017, tỉnh đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX làm 3.366 lồng cá với tổng kinh phí 16 tỷ 830 triệu đồng; hỗ trợ 5 doanh nghiệp, HTX hình thành và phát triển 5 chuỗi cung ứng các loại cá an toàn. Công tác xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại các sản phẩm thủy sản được quan tâm. Hiện nay, tỉnh ta đang xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm: Cá sông Đà - Sơn La gồm 7 loại: Cá chày, cá chép, cá lăng, cá nheo, cá chiên, trắm cỏ, trắm đen và sản phẩm cá tầm Sơn La. Tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi trồng, kinh doanh thủy sản tham gia các hội chợ, tuần hàng trong và ngoài tỉnh để quảng bá, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm.

Các chương trình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện. Tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản; đã tổ chức tập huấn tuyên truyền 30 lớp cho hơn 2.100 lượt người; phát 1.500 tờ rơi; tổ chức cho gần 850 hộ đăng ký cam kết không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; đã kiểm tra phát hiện, thu giữ 93 bộ kích điện, 1 súng kíp; xử phạt hành chính 10 triệu đồng. Tỉnh ta đã tổ chức thả trên 1 triệu con cá giống các loại vào hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La và các lưu vực tự nhiên.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành chuyên môn, lĩnh vực thủy sản có bước phát triển mạnh. Diện tích nuôi trồng thủy sản 2.705 ha, tăng 3,9% so với năm 2015; sản lượng thủy sản 7.453 tấn, tăng 13,3% so với năm 2015, bằng 53,2% mục tiêu đến năm 2020; tổng số hơn 9.048 lồng cá, tăng 641,8%. Hiện toàn tỉnh có 73 doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; trong đó, có 25 doanh nghiệp, HTX có thu nhập bình quân mỗi năm từ 1 tỷ đồng trở lên. Ngày càng có nhiều hộ gia đình làm giàu từ nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Tuy nhiên, phát triển nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; vẫn còn hành vi khai thác, đánh bắt thủy sản không đúng quy định; việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết và tiêu thụ thủy sản còn hạn chế; các doanh nghiệp, HTX chưa ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thủy sản ổn định lâu dài...

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 34 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tỉnh ta tập trung khai thác tiềm năng lợi thế diện tích mặt nước, nhất là vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình để nuôi trồng, phát triển thủy sản theo hướng thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; liên kết, tạo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững; kết hợp nuôi trồng, khai thác gắn với phát triển nguồn lợi lâu dài, bảo đảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Sa Thị Quyên

(Trường Chính trị tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới