Khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá mạnh mẽ

Là huyện mới thành lập năm 2013, Vân Hồ hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Đặc biệt, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH

được đầu tư xây dựng tại xã Lóng Luông (Vân Hồ).

 

Bộ mặt đô thị Vân Hồ hôm nay với hàng loạt công trình, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị cùng hệ thống giao thông, điện, thủy lợi… được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điểm nhấn về kết cấu hạ tầng cơ sở. Đồng chí Mùi Anh Tiến, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vân Hồ, phấn khởi cho biết: Có được những đổi thay như vậy là nhờ huyện đã xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là then chốt, từ đó phát huy nội lực, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, tập trung huy động, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt trong phát triển kinh tế, huyện đã thực hiện hiệu quả các khâu đột phá về thu hút đầu tư, phát triển du lịch và mở rộng diện tích cây ăn quả, bước đầu đã thu được kết quả tích cực.

Đến nay, huyện Vân Hồ đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp đến khảo sát và đầu tư, như: Tập đoàn TH, Tập đoàn FLC, Công ty TNHH thực phẩm ICFOOD Sơn La, Công ty cổ phần chăn nuôi Minh Thúy... Từ năm 2015 đến nay, huyện đã thu hút 27 dự án, nâng tổng dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư lên 48 dự án, với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là Tập đoàn TH và Công ty TNHH thực phẩm ICFOOD Sơn La đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến nông sản và tổ chức liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Dự án Nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH đang khẩn trương triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng Nhà máy chế biến các loại trái cây, công suất 5 tấn quả/giờ, đến nay đã cơ bản hoàn thành nhà xưởng và đang lắp đặt máy móc, thiết bị. Giai đoạn 2, mở rộng tăng công suất chế biến trái cây và xây dựng nhà máy chế biến đóng chai các sản phẩm từ nước ép trái cây. Dự án Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Vân Hồ, do Công ty TNHH Thực phẩm ICFOOD Sơn La (vốn Hàn Quốc) đầu tư, cũng đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động, công suất đạt 1.700 tấn rau, củ, quả/năm; giai đoạn 2 là 3.400 tấn rau, củ, quả/năm. Để đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, huyện đã quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, hiện đã trồng được hơn 100 ha rau các loại, phấn đấu đến năm 2025 phát triển lên 455 ha.

Bên cạnh đó, với lợi thế có quốc lộ 6 đi qua, nằm ở cửa ngõ tỉnh Sơn La và tiếp giáp với Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, những năm gần đây, huyện Vân Hồ chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ. Từ năm 2015 đến hết năm 2019, huyện đã đón trên 220.000 lượt du khách, doanh thu đạt gần 30 tỷ đồng. Vân Hồ đang tập trung khai thác thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái, thông qua các hoạt động du lịch “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, du khách được trải nghiệm và hiểu về đời sống, văn hóa của địa phương. Huyện cũng đã hoàn thành quy hoạch dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng và dịch vụ hỗn hợp Bó Nhàng; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 di tích hang mộ Tạng Mè - xã Suối Bàng; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 di tích Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ... Đồng thời, quan tâm bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch.

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, huyện Vân Hồ đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu ở địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch sinh thái và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt 4.200 ha (tăng 3.280 ha so với năm 2015), sản lượng đạt 9.500 tấn/năm.

Có thể nói, việc lựa chọn các khâu đột phá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư, Vân Hồ đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao năng suất lao động, xây dựng huyện ngày càng phát triển.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới