Kéo vó đèn cùng ngư dân Chiềng Ơn

Tình cờ trong chuyến công tác ở Quỳnh Nhai, chúng tôi được người bạn mời đến thăm xã Chiềng Ơn để trải nghiệm một đêm cùng bà con ngư dân nơi đây bắt cá trên vùng hồ sông nước mênh mang.

Người dân bản Hát Củ, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) đánh bắt thủy sản bằng vó đèn.

Địa điểm chúng tôi được giới thiệu là khúc sông gần bến thuyền của bản Hát Củ, xã Chiềng Ơn. Đây là bến thuyền nhỏ, có gần hai chục chiếc thuyền đánh bắt cá đang neo đậu. Bản Hát Củ có gần 20 hộ tham gia đánh bắt chủ yếu là dân tộc Kháng. Theo lời của những người dân ở đây, trước kia, khu vực này là một đoạn sông chảy siết, từ khi nước lòng hồ thủy điện Sơn La dâng lên, lượng nước ổn định, nước chảy đều nên cá tôm cũng ngày càng nhiều hơn, tạo điều kiện cho bà con trong xã có thêm nghề đánh bắt cá để tăng thêm nguồn thu nhập. Người đưa chúng tôi đi kéo vó đèn đêm nay là vợ chồng anh chị Lò Văn Phương, một gia đình ngư dân ở bản Hát Củ đã có nhiều năm kinh nghiệm bắt cá bằng vó đèn. Gia đình anh chị có 2 người con đang đi học xa nhà, để có tiền cho các con ăn học, ngoài việc đánh bắt ở 3 vó đèn, anh chị còn nhận thu mua cá ở các vó khác để mang xuống bến cá Pá Uôn bán.

Thời gian của một đêm đi bắt cá bắt đầu từ 3- 4 giờ chiều, mọi người chuẩn bị các vận dụng như: bình ác quy, đèn pin, cơm, thức ăn, nước uống... mang ra thuyền chuẩn bị cho một đêm chong đèn bắt cá. Có chúng tôi đi cùng nên anh chị chủ nhà chuẩn bị thêm một vài món ăn truyền thống của người Kháng như món lá đu đủ nướng, da dê nướng trộn hoa chuối... Từ trung tâm xã, chúng tôi đi xe máy chừng 5 phút thì xuống đến bến thuyền của bản Hát Củ. Chiều xuống, mặt trời đổ dần xuống sau ngọn núi, sắc vàng của nắng rọi xuống mặt nước lóng lánh trên màu xanh thẫm của lòng hồ tạo nên cảnh sắc vừa thơ mộng vừa huyền bí.

Giữa không gian ấy, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những vó đèn được thiết kế đơn sơ bằng vài cây bương. Quan sát vó đèn của gia đình anh Lò Văn Phương, tôi nhận thấy, vó ở đây khác với các vùng khác, được làm bằng cây bương, theo kinh nghiệm của người dân ở đây, cây bương là loại cây chịu nước tốt, phù hợp để ngâm lâu trong nước. Để giữ độ cân bằng cho vó, ngoài 4 thanh bương dài khoảng 20m làm khung vuông đỡ bên dưới, người ta dựng mỗi góc 3 thanh bương theo hình tháp nhọn được cố định bằng dây thừng. Các đỉnh nhọn được nối với nhau bằng một hệ thống dây thừng có con quay điều chỉnh từ xa. Hệ thống con quay này sẽ giúp làm giảm trọng lượng của vó đèn khi được cất lên. Giữa vó người  ta còn mắc một bóng đèn khoảng 400W cách mặt nước chừng 1m để dụ cá về. Vừa chỉnh thanh bương bị lỏng, anh Phương vừa chia sẻ: Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông chúng tôi thực hiện hạ lưới xuống nước sâu chừng 4 - 5 mét, và sử dụng loại mắt lưới không quá bé, có kích cỡ tối thiểu 0,5 cm để không bắt những con cá có kích cỡ bé, duy trì và phát triển nguồn cá trên sông. Nghề kéo vó cũng có nhiều bấp bênh theo mùa nước, có khi được nhiều, có khi được ít, nhưng vì mưu sinh, bà con vẫn duy trì để có tiền lo toan cho cuộc sống hàng ngày, nuôi con cái học hành... Trung bình, mỗi ngày chúng tôi bắt được từ 40-50kg cá, có những ngày nhiều được đến 70- 80kg.

Câu chuyện của anh Phương bị ngắt quãng bởi tiếng gọi, tiếng chào hỏi của mấy chiếc thuyền đang dần tiến về phía chúng tôi. Mỗi thuyền thường có 1-2 người, nhưng cũng có thuyền có cả gia đình cùng đi kéo vó. Chị Lò Thị So, vợ anh Phương chủ động giới thiệu chúng tôi với mọi người và không quên giải thích: Hầu như ngày nào cũng thế, cứ tầm 6-7 giờ tối, sau khi mọi người đã chuẩn bị xong xuôi các dụng cụ để đánh vó đèn, các gia đình sẽ tập hợp về đây để cùng nhau ăn tối. Mỗi nhà tự chuẩn bị suất ăn của gia đình mình rồi cùng bày ra để mời nhau cùng thưởng thức. Giở gói lá dong được gói ghém cẩn thận, vợ chồng anh Lò Văn Thanh, một hộ gia đình trẻ nhất trong số những gia đình ở đây, hồ hởi khoe con cá nướng to hơn 2 kg vừa bắt được chiều nay. Bữa cơm đơn giản đã thêm phần thịnh soạn. Mọi người vui vẻ cùng nhau uống rượu, chuyện trò rôm rả.

 

Câu chuyện kéo dài đến gần nửa đêm, mọi người nhắc nhau đi nghỉ để chờ đến giờ kéo vó. Đêm muộn trên sông chỉ còn tiếng nước vỗ nhè nhẹ vào mạn thuyền, thỉnh thoảng có tiếng cá nhảy lách tách ở đâu đó. Đến tầm 2 giờ sáng, bắt đầu xuất hiện tiếng người đánh thức nhau ra vó bè thu cá trên các con thuyền. Buộc đèn pin vào trán, anh Phương từ từ kéo con quay rút ngắn độ dài của hệ thống dây đến khi chiếc vó được cao đến tầm ngang người, để dần lộ ra bầy cá lấp lánh ánh bạc vùng vẫy dưới đáy vó. Anh Phương buộc thêm chiếc dây thừng vào 4 góc vó để vắt từng mảng lưới lên dây, thu gọn tấm lưới rồi xúc cá từ trong vó ra khoang thuyền. Hết vó thứ nhất, vợ chồng anh lại chuyển sang vó thứ 2, công việc cứ lặp lại như thế đến rạng sáng, và khoang thuyền ngày càng chất đầy cá. Theo vợ chồng anh Phương, chúng tôi tiếp tục rong ruổi tìm đến các thuyền khác trong vùng thu mua cá rồi mang xuống bến Pá Uôn bán. Có lẽ đêm qua trời yên, nước lặng nên hôm nay có gia đình thu được đến 70 kg cá, chủ yếu là cá tép dầu. Trên những gương mặt còn ướt đẫm mồ hôi đều hiện rõ sự hồ hởi, phấn khởi về thành quả sau một đêm vất vả. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phương nói thêm: Năm ngoái, giá cá tép dầu là 4 nghìn đồng/kg, đây là loại cá chế biến thành những món đặc sản được nhiều người ưa chuộng nên năm nay giá tăng lên 5.000 đến 6.000 đồng/kg. Giúp bà con có thêm động lực để bám trụ với nghề đánh vó này. Được biết, năm 2017, toàn huyện Quỳnh Nhai có hơn 300 hộ tham gia đánh bắt cá trên sông, sản lượng cá đánh bắt trên lòng hồ ước đạt 285 tấn. Để nghề đánh bắt thủy sản bằng vó đèn trên sông được lâu dài, bền vững, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của ngư dân. Nghiêm cấm sử dụng lưới mắt dày để làm vó đèn và các hình thức đánh bắt cá có sử dụng chất nổ, xung điện; khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, hệ thống sinh thái với nguồn lợi thủy sản trên sông...

Chia tay bà con Chiềng Ơn sau một ngày cùng xuống sông bắt cá, cảm nhận tình cảm chân tình của những người ngư dân, chúng tôi quay về phố thị với lời hẹn quay lại để chứng kiến sự đổi thay trong cuộc sống của bà con nơi đây.

Thủy Tiên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới