Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư

Cùng với việc thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh Sơn La đã huy động, sử dụng lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Giai đoạn 2008 - 2020, tỉnh Sơn La đã huy động trên 175.294 tỷ đồng. Trong đó: 68.447 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; 47.250 tỷ đồng từ cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp; còn lại là nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (các dự án FDI, các nguồn vốn ODA đầu tư trực tiếp) dành cho nông nghiệp, nông thôn. Từ các nguồn vốn đã tập trung xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 2.698 công trình thủy lợi, đảm bảo cấp nước cho trên 31.685 ha hoa màu, thủy sản; xây dựng mới 2.612 km đường giao thông huyện, đường tái định cư, đường xã; sửa chữa, nâng cấp 8.823 km đường nông thôn; đưa vào sử dụng 22 công trình cấp nước tập trung, cấp nước sạch cho 14.380 đấu nối, với khoảng 64.710 người sử dụng.

Sản phẩm mật ong của HTX Lò Mạnh Sáng, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai).

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Theo đó, đã triển khai 171 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu trên 14.677 tỷ đồng đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản. Nhiều nhà máy đã hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất, như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La; Nhà máy chế biến tinh bột sắn BHL Mai Sơn, nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Châu, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ...

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 49/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 13,25 tiêu chí/xã; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 197 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, đạt tỷ lệ 96,57% tổng số xã của tỉnh; 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao quốc gia, 9 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao.

Là huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh, Mai Sơn đã thực hiện hiệu quả công tác huy động, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, thông tin: Giai đoạn 2008-2020, huyện Mai Sơn đã huy động 1.966 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, vốn ODA, FDI trên 157 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ trên 280 tỷ đồng; ngân sách Trung ương trên 643 tỷ đồng; ngân sách tỉnh (bao gồm cả phân cấp cho huyện) gần 870 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư cho nông nghiệp, xóa đói nghèo.

Mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Trường Tiến (Mai Sơn).

Huyện Mai Sơn đã xây dựng thương hiệu cho 5 sản phẩm quả nông nghiệp, từng bước hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2020 của huyện ước đạt 3.548 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng/người/năm. Mai Sơn có 7/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, dự kiến tháng 12 công nhận thêm xã Mường Bằng đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 8 xã, trong đó 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Thành phố Sơn La đã huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã hoàn thiện các tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, chia sẻ: Từ các nguồn lực đầu tư, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 của Thành phố đạt 1.499 tỷ đồng, tăng 8,37 lần; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu hình thành vùng sản xuất chuyên canh, như: Cà phê, hoa, rau sạch… Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 5,63% năm 2008 xuống còn 0,49% năm 2020. Đến nay, Thành phố có xã Chiềng Xôm, xã Chiềng Cọ đạt NTM nâng cao.

Người dân xã Chiềng Cọ (Thành phố) thực hiện bê tông hóa tuyến đường nội bản.

Chiềng Cọ (Thành phố) là xã thứ 4 đạt chuẩn NTM nâng cao của tỉnh, bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã, phấn khởi nói: Cùng với nguồn vốn Nhà nước cấp, xã Chiềng Cọ đã huy động nhân dân đóng góp 19,18 tỷ đồng, thực hiện cứng hóa 21,36 km đường trục bản và đường liên bản; hơn 80% số tuyến đường ngõ, bản đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa; xã có 2 trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia; 96% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định... Kết cấu hạ tầng nông  nghiệp, nông thôn trong xã ngày một khởi sắc, phục vụ đắc lực sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhiều giải pháp đã được tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố thực hiện. Trọng tâm là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế, đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới