Huy động nguồn lực trồng rừng hiệu quả, bền vững

Chủ trương “phủ xanh đất trống bằng trồng rừng, trồng cây phân tán đa mục tiêu” là một trong 12 chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Sơn về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025. Kết quả triển khai đã thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Đoàn công tác của xã Nà Bó, huyện Mai Sơn kiểm tra thực hiện trồng rừng tại bản Nà Hường.

Huyện ủy đã thành lập Tổ công tác 834 để triển khai chủ trương, do Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện làm tổ trưởng; các phòng, ban chuyên môn liên quan là thành viên. Từ đầu năm đến nay, Tổ công tác 834 đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, quán triệt chủ trương của huyện, tổ chức thảo luận, đề xuất giải pháp triển khai kế hoạch trồng 250 ha rừng phòng hộ và 100 ha rừng sản xuất năm 2022. Phối hợp với Ban Quản lý Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững của huyện tổ chức 2 cuộc tham quan, học tập mô hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn xã Cò Nòi và huyện Quỳnh Nhai cho trên 150 lượt cán bộ, nhân dân; tổ chức thăm quan, học tập mô hình trồng rừng phát triển cây quế tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho 50 lượt thành viên HTX và hộ gia đình.

Tổ công tác 834 tích cực phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và các doanh nghiệp tổ chức 11 hội nghị làm việc với Đảng ủy, UBND xã và các tổ chức, cá nhân liên quan, để bàn giải pháp phát triển cây mắc ca trồng thuần và trồng xen trong vườn cây cà phê. Thống nhất doanh nghiệp cho nợ 20% giá trị cây giống, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ cho vay 80% giá trị cây giống đầu tư để phát triển trồng cây mắc ca trên địa bàn; tổ chức 15 hội nghị chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cây mắc ca cho trên 850 lượt người tham gia. Đồng thời, huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp thực hiện trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán và cây ranh giới.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, cho biết: Để giải ngân cho vay các hộ có nhu cầu phát triển trồng cây mắc ca, đơn vị đã phối hợp với các xã, tổ tiết kiệm và vay vốn thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn, linh hoạt giải ngân cho vay các chương trình phù hợp với các đối tượng chính sách, như cho vay hộ nghèo, cận nghèo... Đến nay, Phòng đã giải ngân gần 600 triệu đồng, cho 24 hộ bản Pá Hốc, xã Chiềng Nơi và bản Nậm Ban, xã Hát Lót vay vốn để trồng mắc ca.

Nhân dân bản Trung Thành, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn chăm sóc rừng trồng sản xuất. 

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã thực hiện trồng được trên 200 ha rừng sản xuất, gấp đôi kế hoạch trồng rừng sản xuất đề ra trong năm 2022, gồm: Gần 64 ha rừng sản xuất; 24,5 ha trồng rừng sau khai thác; hơn 30 ha trồng rừng khắc phục vi phạm và người dân đầu tư kinh phí trồng gần 89 ha cây mắc ca trồng thuần và trồng xen. Đối với trồng rừng phòng hộ 150 ha, đã lựa chọn được nhà thầu thi công và sẽ thực hiện trồng xong trong tháng 8/2022. Bên cạnh đó, toàn huyện đã trồng gần 74.000 cây phân tán dọc đường giao thông và đường phân định ranh giới đất lâm nghiệp và trồng ở vườn đồi, khuôn viên.

Nà Bó là một trong địa phương làm tốt công tác vận động trồng rừng, năm nay xã đã hoàn thành trồng gần hơn 25 ha rừng sản xuất, vượt 5 ha so với kế hoạch huyện giao. Ông Hoàng Hữu Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Bó, cho biết: Điểm nổi bật vụ trồng rừng năm nay, xã đã vận động xã hội hóa được hơn 110 triệu đồng, trồng 10,6 ha rừng sản xuất tại bản Nà Hường. Thay vì tập trung vào các cây trồng rừng truyền thống là tếch, bạch đàn.. bà con đã quan tâm, đầu tư lựa chọn trồng các cây trồng rừng đa mục tiêu, điển hình là cây quế. Toàn xã đã phát triển hơn hơn 14 ha quế, trong đó trồng mới hơn 10 ha. Hiện, diện tích trồng rừng mới phát triển khá tốt, đạt lỷ lệ sống cao tới 80%.

Còn tại xã Mường Chanh, việc trồng khắc phục 23 ha đất vi phạm lâm luật từ năm 2018 được xã quan tâm chỉ đạo, đến nay, xã đã hoàn thành trồng rừng thay thế bằng cây mắc ca và triển khai trồng hơn 4 ha rừng sản xuất. Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, chia sẻ: Xã đã vận động các hộ dân vi phạm nộp tiền phạt, mua gần 2.300 cây mắc ca trồng khắc phục rừng vi phạm lâm luật, với tổng giá trị đóng góp trên 160 triệu đồng. Cây giống được cung cấp bởi đơn vị uy tín, đảm bảo chất lượng; trồng rừng đảm bảo tiến độ, mùa vụ, cây trồng phát triển tốt, ít phải trồng bù, trồng lại.

Vận động nhân dân trồng rừng bằng cây trồng đa mục tiêu đã từng bước thay đổi nhận thức của bà con về phát triển kinh tế rừng, không trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; chủ động đầu tư vốn, liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp trồng rừng trên đất dốc bằng cây quế, mắc ca đã góp phần phát triển đa dạng các nguồn lợi từ rừng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, hiệu quả.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới