Hướng thiện, sẻ chia lòng tốt

Ngày lòng tốt thế giới 13/11 (World Kindness Day), được tổ chức lần đầu tiên tại Singapore năm 2009, tiếp sau đó là rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Kỷ niệm ngày này, nhằm khuyến khích mọi người thể hiện các cử chỉ, hành vi tốt đẹp, những hoạt động mang tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm tới mọi người xung quanh, từ người thân, bạn bè, hàng xóm, thậm chí cả những người xa lạ...

 

Dáng vẻ bình lặng, ông trung niên chia sẻ với các thành viên:

- Để có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, nhân loại đã phải trả giá quá đắt, đó là hàng trăm triệu sinh mạng bởi các cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử. Theo thống kê chưa chính thức, thế giới vẫn có khoảng 1 tỷ người nghèo, cực nghèo, họ chiếm tới 1/7 dân số thế giới, khoảng cách và sự phân hóa giàu nghèo vẫn còn đó. Nhưng cho dù thế, tình người, lòng tốt và sự hướng thiện vẫn luôn hiện hữu trong đời sống. Mỗi người trong chúng ta hãy có những việc làm, hành động cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, quan tâm tới những người xung quanh. Lòng tốt sẽ tiếp thêm cho con người, đồng loại lòng tin, hy vọng và nghị lực. Lòng tốt khiến con người dễ cảm thông, hiểu biết, cùng nhau vươn lên, xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh, thân thiện.

Đón được ý chủ tọa, anh chàng nhỏ thó bỗng trở nên văn hoa:

- Nhà văn Mark Twein nói “Lòng tốt là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy”. Lòng tốt hiện diện khắp nơi, trong những con người dung dị nhất, những việc làm thực tế nhất, ở mọi hoàn cảnh, vùng miền, có khả năng lan tỏa tới mọi đối tượng, mang lại cho con người hy vọng và niềm tin. Đó có thể là một xe tải chở bia và nước giải khát gặp nạn được người đi đường và người dân xung quanh tận tình giúp đỡ, gom nhặt hàng hóa, sắp xếp lên xe. Đó có thể là những cô giáo sẵn sàng chia sẻ cuộc sống khó khăn của học trò vùng núi, đã đi xin và mua lại xe đạp cũ sửa sang lại để học trò có xe đi. Lòng tốt tiếp nối lòng tốt, nên đã có biết bao lớp học kiên cố được xây dựng; bao món tiền nhỏ gom góp gửi lên giúp học trò có thêm sách vở, quần áo ấm, đồ ăn... giữ chân các em học trò nhỏ ở lại với lớp, với trường để học cho được cái chữ.

Bây giờ bác da ngăm ngăm mới thủng thẳng:

- Lòng tốt được ví như của cải, thậm chí quý giá, quan trọng và cần thiết hơn của cải. Bởi đó là những hành động, việc làm cao đẹp, xuất phát từ lòng tốt của một cá nhân hay một nhóm người, cộng đồng người nhằm giúp đỡ người khác mà chẳng đòi trả ơn. Lòng tốt không phải thứ gì đó cao xa, khó với tới, mà rất gần gũi, dung dị, ở đâu cũng có thể bắt gặp, ví như ai đó dắt tay người già qua đường, giúp người khuyết tật lên xe, nhặt được của rơi trả lại người mất, quên mình cứu người bị nạn... Nhưng cũng đừng bao giờ để lòng tốt của chúng ta bị lợi dụng trục lợi, làm giàu, bởi có không ít người cung tiến tiền bạc, công của để xây chùa, đúc chuông, dựng tượng... đâu phải vì thiện căn, phát tâm làm phúc, mà thực ra chỉ muốn được thánh thần, trời phật ban phát tiền tài, công danh, quyền lực, lợi lộc mà thôi!

Giọng ông trung niên rất phấn khích khi phân tích thêm:

- Một xã hội luôn đề cao, ghi nhận, biết ơn và khuyến khích những hành động tốt đẹp vì con người, sẵn sàng đóng góp tâm sức vì con người... đó là xã hội lành mạnh! Việc thiện, lòng tốt, con người lương thiện, lòng nhân ái, tình yêu thương có ở khắp nơi trong xã hội chúng ta, xuất hiện xung quanh chúng ta. Sự tử tế, bao dung của người Việt cho chúng ta thêm hy vọng và niềm tin về cuộc đời. Tất nhiên, lòng tốt, hành động từ thiện phải xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu, ví như khi hỗ trợ, giúp đỡ phải xem đối tượng vùng khó khăn, vùng bị thiên tai thật sự cần cái gì? Những thứ mình giúp liệu đã đúng cái họ cần? Có giúp ích thực sự để họ vượt lên? Có trở thành động lực để họ phấn đấu? Song, dù thế nào thì cũng hãy lan tỏa, chia sẻ lòng tốt, cùng nhau làm nhiều việc thiện để cuộc đời thêm sáng tươi, tốt đẹp, thân thiện. Đúng không các chú?

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới