Hướng phát triển kinh tế ở Tường Tiến

Là một trong những xã thuộc diện di vén vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, đời sống người dân xã Tường Tiến, huyện Phù Yên còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy chủ trương tiếp tục phát triển cây lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc của xã vẫn được coi là hướng đi để tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

 

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Lò Văn Hoàng, bản Nà Pục, xã Tường Tiến, huyện Phù Yên.

Là xã thuần nông, Tường Tiến có diện tích tự nhiên trên 3.100 ha, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có trên 950 ha, chủ yếu là đất nương, đồi có độ dốc tương đối lớn, trên 40%. Những năm trước đây, đa số người dân các bản của xã quen với tập quán sản xuất thuần nông, với các loại cây lương thực như ngô, lúa nương... Tuy nhiên, do đất bị xói mòn, nên năng suất ngày càng giảm. Chăn nuôi theo tập quán chăn thả, hiệu quả thấp. Ông Cầm Văn Chiên, Chủ tịch UBND xã Tường Tiến, cho biết: Giải pháp tháo gỡ khó khăn chính là phải tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Triển khai mô hình chăn nuôi nhốt chuồng, giảm thiểu tình trạng dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tiếp tục mở rộng diện tích cây lâm nghiệp. 

Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Chương trình 135 và Nghị quyết 30a được phân bổ, xã Tường Tiến còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Từ năm 2020 đến nay đã tổ chức 8 đợt tập huấn trồng cây lâm nghiệp và kỹ thuật chăn nuôi với trên 2.000 lượt người tham gia; chuyển trao hỗ trợ trên 5.000 cây tếch giống và 40 con bò sinh sản cho nhân dân trên địa bàn xã với tổng trị giá trên 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, các hội đoàn thể xã đã đứng ra nhận ủy thác của các ngân hàng để các hộ hội viên vay vốn, đến nay, tổng dư nợ đạt trên 10 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ đó, nhiều hộ dân tích cực làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đã phát huy hiệu quả trong chăn nuôi, từng bước xóa bỏ tập quán thả rông gia súc của người dân, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa. Hiện nay, toàn xã có trên 2.000 con trâu, bò; hơn 800 con dê, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, đàn gia súc phát triển ổn định, ít xảy ra dịch bệnh như trước đây.

Ông Lò Văn Hoàng, bản Nà Pục, xã Tường Tiến, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi nuôi 30 bò và dê với hình thức chăn thả nên chậm lớn và rất hay bị bệnh. Nhờ vay được vốn nên đã xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán 2 lứa, mỗi lứa từ 5-7 con bò thương phẩm và 20 con dê, trừ chi phí mỗi năm thu khoảng 200 triệu đồng.

Cùng với phát triển chăn nuôi gia súc, xã Tường Tiến còn vận động người dân phát triển cây lâm nghiệp, như cây tếch, xoan. Trong 2 năm trở lại đây, người dân xã Tường Tiến đã trồng mới gần 30 ha, nâng diện tích cây lâm nghiệp trên địa bàn lên hơn 300 ha, trong đó khoảng 100 ha đã trồng từ năm 1995 đang cho khai thác. Ông Vì Văn Hướng, bản Thín, xã Tường Tiến, cho hay: Tôi tham gia trồng cây lâm nghiệp theo Dự án ổn định dân cư và phát triển kinh tế, xã hội vùng tái định cư lòng hồ thủy điện Hòa Bình từ những năm 1994. Đến nay gia đình tôi có 4 ha cây gỗ tếch trên 25 năm tuổi, bắt đầu khai thác để bán và tiến hành trồng mới, trồng thay thế các cây đã cho khai thác, từ năm 2020 đã trồng được hơn 1,4 ha cây tếch. Với giá bán hiện nay, bình quân mỗi năm tôi bán được từ 150-200 triệu tiền gỗ tếch, nhờ đó cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tường Tiến còn cao, chiếm trên 31% số hộ trong xã, nhưng với sự nỗ lực trong thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, tin rằng cuộc sống của người dân nơi đây sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước vươn lên xóa nghèo bền vững.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới