Hướng đến mục tiêu quản lý rừng cộng đồng bền vững

Những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều diện tích rừng cộng đồng đang bị suy giảm về số lượng và chất lượng tài nguyên rừng; thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cộng đồng dân cư còn nhiều bất cập, chưa phát huy được sự tham gia và trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng... Xuất phát từ yêu cầu thực tế, năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh được phê duyệt triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác quản lý rừng cộng đồng, đề xuất các biện pháp quản lý rừng cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

 

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cùng nhóm thực hiện Đề tài kiểm tra mô hình

khoanh nuôi, tái sinh có trồng bổ sung cây trám đen tại xã Chiềng Bôm (Thuận Châu).

 

Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác quản lý rừng cộng đồng, đề xuất các biện pháp quản lý rừng cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La” được triển khai nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng, từ đó xây dựng các cơ sở lý luận về quản lý rừng cộng đồng bền vững, xây dựng được các mô hình quản lý rừng cộng đồng bền vững, hiệu quả cho từng vùng sinh thái; đề xuất các giải pháp quản lý, phát triển rừng cộng đồng bền vững, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng trong tỉnh. Thạc sỹ Đỗ Văn Ánh, Chủ nhiệm Đề tài, thông tin: Sau 2 năm triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã xác định được cơ sở lý luận về quản lý, tổng quan và những chính sách áp dụng cho rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La; đánh giá tài nguyên rừng cộng đồng; xây dựng bản đồ hiện trạng, thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cộng đồng; đánh giá tác động của rừng cộng đồng về mặt kinh tế, xã hội, môi trường tại 4 xã: Chiềng Bôm (Thuận Châu), Nậm Lạnh (Sốp Cộp), Mường Sang (Mộc Châu) và Mường Do (Phù Yên). Trên cơ sở đó, xây dựng tiêu chí và 4 mô hình rừng cộng đồng bền vững, phù hợp với tỉnh Sơn La.

 

Trong quá trình triển khai, nhóm thực hiện đề tài đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu, đánh giá tác động, các biện pháp lâm sinh nhằm nâng cao chất lượng rừng cộng đồng. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng rừng cộng đồng bằng việc xây dựng mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ (sa nhân tím) dưới tán rừng và khoanh nuôi, tái sinh có trồng bổ sung cây trám đen. Dựa trên các chỉ tiêu về vị trí, loại rừng, trạng thái rừng, loại đất, đặc điểm đất đai, độ cao, độ dốc trung bình, đề tài tiến hành trồng 1 ha cây sa nhân tím tại bản Nậm Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp và bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu; trồng 2 ha cây trám đen bản Nhộp, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu và bản Lằn, xã Mường Do, huyện Phù Yên. Qua đánh giá sự sinh trưởng, phát triển của cây sa nhân tím và cây trám đen, nhận thấy 2 loại cây trồng này phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương và dự kiến sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

 

Ông Nguyễn Mạnh Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Châu, cho biết: Qua 2 năm triển khai mô hình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, cây trám đen tại bản Nhộp, xã Chiềng Bôm sinh trưởng phát triển tốt, có tỷ lệ sống trung bình đạt trên 90%. Việc trồng bổ sung cây trám đen dưới tán rừng phù hợp với chủ trương, chính sách của địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng; là cơ sở để chính quyền địa phương đánh giá, nhân rộng mô hình nhằm tạo ra vùng nguyên liệu, liên kết phát triển sản phẩm.

 

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thu thập được, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các giải pháp quản lý rừng cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh, như: Ban hành chính sách thu hút các nhà đầu tư, các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các công ty trong liên kết trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ và bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị của rừng; ban hành chính sách hưởng lợi từ rừng cộng đồng theo từng loại rừng một cách cụ thể, chi tiết; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp, các quy định về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng...

 

Những kết quả từ đề tài sẽ là cơ sở để tỉnh ta đánh giá, triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới