Hua Păng tìm hướng phát triển sản xuất bền vững

Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở xã Hua Păng (Mộc Châu) được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Mô hình trồng mít của nông dân bản Chiềng Cang, xã Hua Păng (Mộc Châu).

 

Trở lại xã Hua Păng, chúng tôi thấy nhiều đổi thay, những nương đồi trồng ngô, sắn trước đây được thay bằng màu xanh của những vườn cây ăn quả. Ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trước đây, do canh tác nhiều năm khiến đất bạc màu, thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, năm 2016, xã đã tuyên truyền, vận động bà con trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả, các tổ chức đoàn thể tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho hơn 800 hội viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 25 tỷ đồng để trồng cây ăn quả.

Hiện nay, toàn xã có hơn 380 ha cây ăn quả, trong đó gần một nửa đã cho thu hoạch, nhiều mô hình cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng/năm, như mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả ở bản Bó Hiềng; mô hình trồng cam vinh ở bản Nà Sài;  trồng mít Thái, mít bốn mùa ở bản Chiềng Cang; trồng nhãn chín muộn ở bản Suối Ba... Bên cạnh đó, xã còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng nhốt chuồng, trồng cỏ, dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông mang lại hiệu quả cao. Hiện toàn xã có hơn 4.000 con gia súc và hơn 19.000 con gia cầm. Nhờ chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 8%.

Đến thăm vườn mít của hộ gia đình anh Tạ Văn Bình, bản Chiềng Cang, qua tìm hiểu, trước đây gia đình anh Bình có hơn 2 ha đất đồi dốc trồng ngô, sắn năng suất thấp. Năm 2016, gia đình anh Bình đã thuê máy xúc san ủi để trồng cây mít bốn mùa và nhãn ghép. Anh Bình chia sẻ: Gia đình tôi vừa thu trên 10 tấn mít Thái, bán với giá 25.000 đồng/kg, thu trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn nuôi gần 50 con lợn, trong đó có 15 con lợn nái, khu vực nuôi đều sử dụng đệm lót sinh học để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ đầu năm đến nay đã xuất bán hơn 4 tấn lợn hơi, với giá bán trung bình 75.000 đồng/kg thu trên 300 triệu đồng.

Tiếp tục tới thăm mô hình trồng cam vinh của gia đình chị Vì Thị Tuyết, bản Nà Sài, được biết gia đình chị Tuyết vốn thuộc diện hộ nghèo do trước đây không biết phát triển kinh tế. Sau khi được xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi trồng cây ăn quả, cùng số vốn tiết kiệm, gia đình chị đã vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chuyển đổi hơn 4 ha đất đồi sang trồng cam Vinh, nhờ chịu khó học hỏi nhiều mô hình rồng cam ở tỉnh Hòa Bình, vườn cam đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Tuyết chia sẻ: Gia đình tôi, vừa thu trên 30 tấn cam vinh, được Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ thu mua với giá từ 8.000-12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu trên 250 triệu đồng. Từ khi chuyển đổi trồng cây ăn quả, gia đình tôi không những thoát nghèo bền vững mà còn trở thành hộ có kinh tế khá trong xã.

Thời gian tới, xã Hua Păng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức thêm các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho bà con. Cùng với đó, để đảm bảo đầu ra ổn định, xã liên kết với các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm nông sản; đồng thời, vận động các hộ thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

A Trứ
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới