Hua Păng nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới

Trước đây, Hua Păng là một trong những xã khó khăn của huyện Mộc Châu. Nhưng 3 năm trở lại đây, xã Hua Păng có nhiều giải pháp tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cán bộ khuyến nông xã Hua Păng (Mộc Châu) hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc.

Cách trung tâm huyện Mộc Châu chừng 40 km, Hua Păng là một trong những xã vùng lõm của huyện Mộc Châu, giao thông đi lại khó khăn, bà con không có nhiều điều kiện để giao lưu, buôn bán hàng hóa. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu mang tính tự túc, tự cấp, phương pháp canh tác lạc hậu, nên năng suất cây trồng, vật nuôi đạt thấp. Thêm nữa, Hua Păng thường xuyên bị ảnh hưởng lớn từ các đợt mưa lũ dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp chịu nhiều thiệt hại.

Tiếp chúng tôi tại Trụ sở xã, ông Hoàng Văn Sượng, Bí thư đảng ủy xã Hua Păng đã chia sẻ thêm về những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của người dân: Xã Hua Păng có hai con suối chảy qua, đến mùa mưa, nước ở suối lên cao và cuốn theo nhiều đá về phá đồng ruộng; nhiều vụ, cánh đồng lúa đang chuẩn bị được thu hoạch, lũ về vùi hết đồng ruộng, vậy là mất trắng. Thêm vào đó, địa hình chia cắt phức tạp, đường từ quốc lộ 43 đến các bản khó đi nên việc vận chuyển nông sản ra ngoài để bán rất khó khăn.

Qua trò chuyện với ông Hoàng Văn Sượng, được biết: Xác định được nguyên nhân của những khó khăn trong phát triển kinh tế, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; trong đó từng bước chuyển đổi việc trồng lúa, ngô bằng trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao; vận động nhân dân sửa chữa đường giao thông từ quốc lộ 43 về Bó Hiềng. Đồng thời, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã thường xuyên về các bản tuyên truyền cho bà con hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới; vận động bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường... nên đã tạo sự đồng lòng, thống nhất của nhân dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Mốc đánh dấu việc thay đổi trong chuyển đổi cây trồng ở xã, đó là người dân trong xã đã chuyển gần 100 ha trồng ngô, lúa trên đất dốc sang trồng các loại cây ăn quả, như xoài, nhãn chín muộn, cam... trong đó đã có gần 20 ha cho thu lứa quả đầu tiên. Lĩnh vực chăn nuôi cũng bước đầu được quan tâm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện Hua Păng có 2.500 con trâu, bò; 2.000 con lợn và 18.000 con gia cầm. Trong đó đã có trang trại nuôi lợn với quy mô 10 con lợn nái, gần 150 con lợn thịt.... Kinh tế có bước phát triển, mức thu nhập của người dân tăng lên, hiện bình quân đạt 10-12 triệu đồng/người.

Mặc dù đời sống còn khó khăn, nhưng từ năm 2016, phong trào làm đường giao thông nội bản bắt đầu được triển khai ở tất cả các bản. Ở mỗi bản có cách làm khác nhau trong việc vận động người dân góp công, góp của, góp sức làm đường. Đơn cử như bản Nà Sài, qua tuyên truyền, vận động, mỗi năm người dân đóng góp từ 200 - 500 nghìn đồng, cùng hàng chục ngày công lao động để làm đường. Đến nay, con đường nội bản đã được đổ bê tông. Ông Vì Văn Tiếu, Trưởng bản Nà Sài, phấn khởi cho biết: Trước khi làm đường, Ban Quản lý bản đã tổ chức họp toàn bản để thống nhất mức đóng góp tiền và ngày công làm đường. Khi thi công, tổ giám sát của bản thường xuyên có mặt để bảo đảm chất lượng công trình; các nhóm hộ tham gia thi công theo từng ngày trên từng đoạn đường đi qua khu dân cư... Do được bàn, được làm và được giám sát nên bà con tích cực tham gia làm đường. Không chỉ ở riêng bản Nà Sài, ở các bản khác với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân cũng đã góp công, góp sức làm đường, nhờ vậy, hầu hết tuyến đường trục chính ở các bản trong xã đã được cứng hóa, với tổng chiều dài đạt 26,7 km. Bên cạnh đó, đối với các tiêu chí khó như: Môi trường, xóa nhà tạm, nhà dột nát... Hua Păng cũng đã nỗ lực vận động nhân dân tham gia.

Với cách đi, cách làm hiệu quả, Hua Păng từng bước vượt qua những khó khăn để vươn lên, đến hết năm 2018, xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã là tiếp tục phát huy nội lực, phấn đấu để xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới