Hơn 10 năm phát triển cây cao su ở Sơn La

Năm 2007, thực hiện chủ trương phát triển cây cao su của tỉnh, Công ty cổ phần cao su Sơn La đã triển khai trồng 70 ha cây cao su đầu tiên tại bản Tìn và Nà Trang, thị trấn Ít Ong (Mường La). Sau hơn 10 năm, tỉnh ta đã quy hoạch và mở rộng diện tích cây cao su ra các huyện: Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Yên Châu và Quỳnh Nhai. Với hình thức nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất và trở thành cổ đông của Công ty cổ phần Cao su Sơn La, đã góp phần tạo việc làm, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, hình thành vùng cây công nghiệp tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

 

Công nhân Nông trường cao su Mường La khai thác mủ cao su.

Đến nay, tổng đầu tư vào Dự án phát triển cây cao su gần 1.112 tỷ đồng, trong đó chi trả tiền lương và các chế độ cho người lao động chiếm khoảng 48%. Hiện nay, Công ty đang quản lý trên 6.000 ha cây cao su trên địa bàn 123 bản thuộc 17 xã của các huyện trong vùng quy hoạch. Theo đánh giá của của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, cây cao su ở Sơn La sinh trưởng và phát triển đảm bảo quy trình kỹ thuật. Năm 2016, Công ty bắt đầu khai thác mủ thí điểm 146 ha cây cao su trồng năm 2007 tại thị trấn Ít Ong; từ năm 2017 đến nay, diện tích khai thác mủ đã mở rộng ở tất cả các huyện trồng cây cao su, năng suất và chất lượng mủ bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng. Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện tốt các chế độ theo quy định và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đến nay, Công ty đã đóng bảo hiểm xã hội cho 1.720 công nhân, với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng, chi trả gần 600 tỷ đồng tiền lương, trên 5 tỷ đồng chế độ ốm đau, thai sản cho công nhân; tạo điều kiện cho trên 1.200 hộ công nhân vay vốn phát triển nuôi bò nhốt chuồng, hỗ trợ giống cỏ, cà phê cho người dân trồng xen. Ngoài ra, đầu tư gần 9,5 tỷ đồng xây dựng 13 nhà trẻ tại 11 đội sản xuất, mua sắm trang thiết bị học tập, đồ dùng sinh hoạt, từ năm 2007 đến nay đã có gần 4.900 cháu được học tại nhà trẻ, mẫu giáo tại các đội sản xuất của Công ty. Đặc biệt, năm 2010, Công ty đã thành lập Quỹ “Vì bệnh nhân nghèo”, đến nay đã hỗ trợ trên 600 triệu đồng khám, chữa bệnh cho 140 bệnh nhân nghèo, hỗ trợ 850 triệu đồng vận chuyển cấp cứu 195 trường hợp bệnh nhân từ các trạm y tế xã lên bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và Trung ương; tổ chức khám bệnh định kỳ cho trên 8.600 lượt người, cấp thuốc miễn phí cho gần 22.000 lượt người, tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng.

Chị Lò Thị Nết, Giám đốc Nông trường cao su Châu Quỳnh cho biết: Nông trường đang quản lý trên 1.110 ha cây cao su, gồm 10 tổ sản xuất tại xã Chiềng Bằng, Chiềng Khoang, Nặm Ét (Quỳnh Nhai) và Chiềng Ngàm, Chiềng La (Thuận Châu), với gần 600 công nhân chủ yếu là đồng bào thiểu số địa phương góp đất trồng cao su, trong đó nhiều hộ TĐC thủy điện Sơn La. Hiện nay, Nông trường đã đưa vào khai thác gần 760 ha, sản lượng mủ năm 2018 ước đạt gần 610 tấn, lương công nhân lao động trực tiếp trên 2,6 triệu đồng/tháng, các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được bảo đảm theo đúng quy định.

Gia đình chị Lò Thị Xuân, bản Tìn, thị trấn Ít Ong (Mường La) là một trong những gia đình đầu tiên tham gia góp đất trồng cây cao su, với hơn 4 ha, 4 người trong gia đình được nhận vào làm công nhân, hiện nay chị Xuân là tổ trưởng khu vực Ít Ong (Nông trường cao su Mường La). Chị Xuân chia sẻ: Toàn bộ 358 ha cây cao su ở Ít Ong trồng năm 2007-2008 đã được khai thác, công việc của tổ trưởng hằng ngày là kiểm tra, hướng dẫn công nhân cạo mủ, chăm sóc vườn cây đúng quy trình kỹ thuật, hiện nay công nhân có đủ việc làm, thu nhập ổn định gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Theo thông tin từ lãnh đạo Công ty cổ phần cao su Sơn La, năm 2018 đã đưa vào khai thác mủ 2.319 ha, sản lượng 1.600 tấn, đến năm 2023, Công ty sẽ khai thác toàn bộ diện tích hơn 6.000 ha cây cao su, để bảo đảm chế biến hết sản lượng mủ, tháng 3/2018, Công ty đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến công suất 9.000 tấn/năm, với dây chuyền công nghệ hiện đại, hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ vi sinh của Nhật Bản và châu Âu, tổng kinh phí đầu tư 110 tỷ đồng được xây dựng trên diện tích gần 16 ha tại Nông trường cao su Châu Thuận. Cùng với tăng cường quản lý, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm, Công ty tập trung ổn định và tạo thêm việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho công nhân, cũng như các chế độ theo quy định, tích cực tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội trong vùng quy hoạch trồng cao su.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới