Hội thảo khoa học phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới

Ngày 20/9, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới. Dự và chỉ đạo Hội thảo có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Hội thảo khoa học phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại biểu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo tỉnh Sơn La; đại diện lãnh đạo trường chính trị một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo các doanh nghiệp có nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Các đại biểu dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Sơn La hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng về đất đai, lao động, khí hậu và các điều kiện sinh thái khác để phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đa ngành, thâm canh sâu với rất nhiều loại nông sản mang lại hiệu quả, có giá trị kinh tế cao. Đánh giá cao việc Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Sơn La đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh; đổi mới tư duy và có những cách làm sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế và điều kiện đặc thù của địa phương trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo

Thay mặt Tỉnh ủy Sơn La, đồng chí Nguyễn Hữu Đông khẳng định Hội thảo khoa học “Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới” là sự kiện quan trọng, cần thiết để tỉnh được học tập, trao đổi, nghiên cứu phương thức, giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Sơn La rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp cụ thể trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nhân... đối với tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói chung.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận đánh giá thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới; một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên thế giới và hàm ý cho nông nghiệp Việt Nam; vai trò của chuỗi liên kết nông sản trong phát triển kinh tế - xã hội; chuỗi cung ứng ngắn nông sản tại tỉnh Sơn La trong bối cảnh thực hiện EVFTA; quan điểm của Đảng về thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả...

Các đại biểu thảo luận chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ trao đổi kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất và luận giải cơ sở khoa học của các định hướng, quan điểm, giải pháp, từ đó tạo ra bước chuyển mới, góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và của Việt Nam nói chung trong những năm tới. Kết quả hội thảo là luận cứ khoa học và thực tiễn hữu ích cho việc tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Các đại biểu tham quan gian hàng các sản phẩm OCOP của tỉnh

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La là yêu cầu cấp thiết, hướng đi đúng đắn của tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới hiện nay. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, tỉnh Sơn La cần tập trung quan tâm xây dựng và phát triển sản phẩm nông sản theo hướng đa dạng, độc đáo, nâng cao chất lượng sản phẩm, xác định rõ sản phẩm chủ lực; phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn theo hướng liên kết, ổn định về chất lượng và đảm bảo; đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, trọng tâm là phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái. Cùng với đó, tỉnh cũng cần chú trọng phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức cho nông dân về lợi ích khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất, giúp họ hiểu hơn về HTX kiểu mới, vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết...

Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản của tỉnh

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Tây Bắc.

Trước khi diễn ra hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cùng Đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Tây Bắc.

Một số ý kiến tham luận tại Hội thảo khoa học phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới

Phấn đấu đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

Tỉnh Sơn La hiện có trên 84.000 ha cây ăn quả; sản lượng đạt gần 450.000 tấn; có 240 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản; 241 mã số vùng trồng và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; 35 sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn thương mại điện tử; đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 83 sản phẩm OCOP... Thực hiện mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, tỉnh đang xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ; nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Tăng cường liên kết 6 nhà với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp. Thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ tại địa phương.

Sơn La cần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh mở rộng vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

 

Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đạt thành tựu vượt bậc, trở thành “hiện tượng” trong phát triển nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, tỉnh Sơn La đã vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản, nổi bật có diện tích cây ăn quả lớn nhất vùng Tây Bắc. Mặc dù tỉnh Sơn La đã có nhiều thành tựu trong phát triển liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhưng với bối cảnh thay đổi toàn cầu, cùng với xu hướng chuyển đổi và phát triển nhanh của nông nghiệp, tỉnh Sơn La cần quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hạn chế tác động xấu đến môi trường; đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, phục vụ cung cấp tốt nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Cùng với đó, phải tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là nâng cao tinh thần hợp tác, liên kết của các hộ sản xuất, phát triển mạng lưới HTX, tổ hợp tác, hướng tới các vùng sản xuất hàng hóa lớn hơn; quan tâm nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; phát triển cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ nền nông nghiệp hàng hóa lớn hướng tới xuất khẩu, phục vụ tốt cho cả hệ thống chuỗi nông sản của tỉnh...

Sơn La cần định kỳ rà soát lại quy hoạch vùng trồng và giữ niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng cây ăn quả

Đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La

 

Tạo bước đột phá cho nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành các nghị quyết, kết luận, thông báo về các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy nông nghiệp và chế biến nông sản, đồng thời chọn mô hình ghép mắt cải tạo cây ăn quả là thành tựu khoa học kỹ thuật để đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cũng đã ban hành các nhóm giải pháp chuyển hoạt động khoa học sang chủ trương đặt hàng nghiên cứu các đề tài khoa học, để các tổ chức tập trung nghiên cứu giải quyết kịp thời những vấn đề đang đặt ra trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ban hành Nghị quyết hỗ trợ mỗi hộ gia đình 200.000 đồng, cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở đến từng nhà ghép mắt cây ăn quả giống mới vào cây ăn quả đang có của từng hộ gia đình; tập huấn việc thành lập các HTX nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012.... qua đó, góp phần chuyển đổi tư duy, nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân từ “Nhà nước và nhân dân cùng làm” sang “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để tháo gỡ những điểm nghẽn, nâng cao giá trị chuỗi liên kết và chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Trong xu hướng toàn cầu hóa thị trường hiện nay, để góp phần nâng cao chất lượng sản xuất và khẳng định thương hiệu nông sản Sơn La, tỉnh cần định kỳ rà soát lại quy hoạch phát triển cây ăn quả; phải giữ cho được “niềm tin” của người tiêu dùng về chất lượng nông sản; tránh tình trạng người nông dân phải chi phí đầu vào lớn, hiệu quả thấp lại chặt bỏ để trồng lại cây ngắn ngày.

 

Xây dựng vùng chè ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị

Ông Lê Chí Long, Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty chè Việt Nam, Công ty cổ phần tại Sơn La, Vinatea Mộc Châu

Vinatea Mộc Châu đang canh tác trên 530 ha chè, trong đó 329 ha được công nhận vùng chè ứng dụng công nghệ cao, với sản lượng 11.000 tấn chè tươi, 2.500 tấn chè khô/năm. Hiện, Công ty đang có sản phẩm xuất khẩu đi 10 nước trên thế giới, sản lượng 5.000-6.000 tấn chè khô/năm. Cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, mang lại giá trị cao, Công ty đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chè trong đó có Vinatea Mộc Châu, để tiếp tục chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, Công ty mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp đi đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi; có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, hạn chế việc tranh mua, bán chè búp tươi nguyên liệu của các cơ sở chế biến tư nhân, ảnh hưởng tới thương hiệu.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới