Hội nghị trực tuyến phiên họp Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Ngày 12/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp của Ủy ban Quốc gia về CPĐT với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Dự Hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về CPĐT; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; lãnh đạo các tập đoàn công nghệ.

 

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La

 

Tại điểm cầu tỉnh Sơn La, dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, viễn thông trên địa bàn.

 

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo sơ kết triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; báo cáo một số kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với xây dựng CPĐT do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019. Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, mục tiêu năm 2020 là 90%. Trong năm 2019, đã khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội, kết nối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được quan tâm, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019; Văn phòng Chính phủ nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới Chính phủ không giấy thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua trục liên thông văn bản quốc gia, qua đó tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính…

 

Các đại biểu đã có nhiều tham luận chỉ ra các bất cập, hạn chế và kinh nghiệm trong việc triển khai CPĐT trong thời gian qua.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng CPĐT Việt Nam trong năm 2020; sớm ban hành các thể chế tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng CPĐT; tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVCTT tăng từ 50% lên 100%; 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019...

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới