Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn tỉnh: Khuyến khích hội viên mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Hội Ngành nghề nông nghiệp nông thôn tỉnh thường xuyên phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất; phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đóng góp tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng na theo quy trình VietGAP tại HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi (Mai Sơn).

Hội Ngành nghề nông nghiệp nông thôn tỉnh hiện có trên 14.000 hội viên, sinh hoạt tại 462 chi hội cơ sở. Giai đoạn 2013-2018, các cấp Hội bám sát chủ trương, kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở 232 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp, hướng dẫn liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP... cho 9.900 hội viên; tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật nuôi ong... giữa các chi hội cơ sở. Trong 2 năm (2017-2018), đã hỗ trợ trên 4,1 triệu cây giống cho gần 79.000 hộ ghép cải tạo vườn tạp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đã có 15 sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu tập thể và cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao: 200 hộ hội viên thu nhập 300-500 triệu đồng/năm từ trồng cây ăn quả; 70 hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ trồng rau an toàn; 120 hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ mô hình VAC; 140 hộ nuôi cá lồng thu nhập từ 500-700 triệu đồng/năm...

Bên cạnh phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, các hội viên còn liên kết thành lập HTX, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm, như: HTX rau Mai Tiên (Mai Sơn), HTX Chiềng Bằng, HTX Hoa Ban (Quỳnh Nhai)... Điển hình phải kể tới HTX Bó Ban, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai). Theo ông Lò Văn Khặn, Giám đốc HTX, dù mới thành lập năm 2016, với 12 thành viên, đầu tư 39 lồng cá, nuôi các giống cá: Lăng, nheo, trắm cỏ, rô phi đơn tính; đồng thời, chuyển đổi 7 ha đất trồng cây lương thực sang trồng cỏ và sắn làm thức ăn chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật nuôi cá an toàn... Bây giờ, HTX là một trong những đơn vị có sản phẩm được xếp trong 65 chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh; năm 2018, HTX có tổng số 170 lồng cá, sản lượng thu hoạch 51 tấn cá thịt, doanh thu 2,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân các thành viên trên 200 triệu đồng/người.

Khai thác lợi thế vùng trồng cây ăn quả trên 58.000 ha, Hội khuyến khích hội viên phát triển nuôi ong mật hàng hóa; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền, vận động thành lập các HTX nuôi ong mật, mở các lớp tập huấn sáng lập viên... Đến nay, toàn tỉnh có 1.192 hộ hội viên nuôi ong mật, với 64.300 đàn (tăng 33.000 đàn so năm 2013). Các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Mộc Châu, Yên Châu là những địa phương có nhiều đàn ong nhất; năng suất bình quân 35-38 kg mật/đàn/năm, sản lượng mật ong hằng năm trên 2.400 tấn, cùng 700 tấn phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong... trị giá trên 200 tỷ đồng (100% hộ nuôi ong mật không có hộ nghèo; trên 50% hộ khá và giàu). Là hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi ong mật, ông Phạm Quang Minh, Chi hội nuôi ong Thành phố, cho biết: Từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi duy trì nuôi 100 đàn ong, sản lượng mật ong khai thác 5 năm (2013-2018) khoảng 20 tấn, 750 kg sáp, 2,5 tấn phấn hoa... doanh thu gần 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thời gian tới, Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn tỉnh chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, vận động hội viên triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Đồng thời, đổi mới nội dung tập huấn, tăng cường các hoạt động giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập mô hình kinh tế hiệu quả, khuyến khích hội viên mở rộng các mô hình kinh tế sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới