Hỏi đáp luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức

Hỏi: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức được thông qua ngày, tháng năm nào? Ngày có hiệu lực của Luật? Việc xếp loại chất lượng cán bộ, công chức theo Luật sửa đổi, bổ sung được chia thành bao nhiêu mức? Việc xử lý cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được quy định như thế nào?

                 

Đáp: Ngày 25 tháng 11 năm 2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2020.

                 

Tại khoản 3 và khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định:

                 

1. Căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ, công chức được xếp loại chất lượng theo các mức như sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ.

                 

2. Kết quả xếp loại chất lượng cán bộ, công chức được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.

                 

3. Việc xử lý cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ:

                 

- Đối với cán bộ có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.

                 

- Đối với công chức có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc.

                 

+ Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 2 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại;

                 

+ Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 3 năm có 2 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận thì bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn.

                 

Hỏi: Căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân loại như thế nào? Công chức được tuyển dụng theo hình thức nào?

                 

Đáp: Tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định:

                 

Căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng sau đây:

                 

1. Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.

                 

2. Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương.

                 

3. Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương.

                 

4.  Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.

                 

Tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định:

                 

1. Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực.

                 

2. Việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng sau đây:

                 

- Cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

                 

- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;

                 

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

                 

2. Ngoài 2 hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây:

                 

- Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

                 

- Cán bộ, công chức cấp xã;

                 

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

                 

- Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;

                 

- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

                 

Hỏi: Việc đánh giá công chức được căn cứ vào các nội dung nào?

                 

Đáp: Tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định:

                 

1. Công chức được đánh giá theo các nội dung sau đây:

                 

- Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

                 

- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;

                 

- Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

                 

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể;

                 

- Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;

                 

- Thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

                 

2. Ngoài các nội dung nêu trên, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:

                 

- Kế hoạch làm việc và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách;

                 

- Tiến độ, chất lượng các công việc được giao;

                 

- Năng lực lãnh đạo, quản lý;

                 

- Năng lực tập hợp, đoàn kết.

                 

3. Thời điểm đánh giá công chức được thực hiện như sau:

                 

- Đánh giá hàng năm; đánh giá trước khi thực hiện xét nâng ngạch, nâng lương trước thời hạn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động; đánh giá trước khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái;

                 

- Căn cứ vào yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện đánh giá công chức quy định tại điểm a khoản này.

                 

4. Căn cứ vào các nội dung được nêu trên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức ban hành quy chế đánh giá công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

                 

Linh Loan (Sở Tư pháp)

 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới