Học Bác để lan tỏa yêu thương

Qua thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều tổ chức, cá nhân của ngành giáo dục tích cực học tập và làm theo Bác. Tiêu biểu trong phong trào đó là câu chuyện học Bác để lan tỏa yêu thương của cán bộ, giáo viên Trường trung học phổ thông Thuận Châu.

Một giờ học tại Trường trung học phổ thông Thuận Châu.
Một giờ học tại Trường trung học phổ thông Thuận Châu.

Trường trung học phổ thông Thuận Châu (huyện Thuận Châu) có 67 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 37 đảng viên sinh hoạt tại chi bộ nhà trường. Thời gian qua, Chi ủy, Ban Giám hiệu trường chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động nghiệp vụ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho huyện nhà.

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thuận Châu: Việc học và làm theo Bác đã được Chi bộ Trường trung học phổ thông Thuận Châu thực hiện thường xuyên. Nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp trong việc tập trung thực hiện tốt Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình cùng các nhóm giải pháp cụ thể trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và ứng xử của cán bộ, giáo viên trong trường đối với học sinh và đồng nghiệp. Chi ủy nhà trường đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động học và làm theo Bác thông qua việc xây dựng mô hình “Mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên nhà trường nhận giúp đỡ ít nhất một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình này, thầy giáo Nguyễn Duy Dũng, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thuận Châu, thông tin: Mỗi năm học, nhà trường có khoảng 26 lớp với hơn 1.000 học sinh thuộc các khối, trong đó phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình éo le, phải ở với ông bà, dẫn tới việc học tập phần nào bị ảnh hưởng.

Do đó, chất lượng học tập của các em cũng không cao, nguy cơ phải bỏ học vì kinh tế khó khăn. Các năm học trước đây, nhiều học sinh phải nghỉ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình. Sau khi nhà trường triển khai mô hình này đã thu hút được sự tham gia tích cực của cán bộ, giáo viên trong nhà trường, đem lại hiệu quả tích cực. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm qua từng năm và từ năm học 2019-2020 đến nay, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình.

Những năm qua, các thầy, cô giáo trong trường đã trực tiếp giúp đỡ 350 em học sinh tiền, quần áo và các đồ dùng sinh hoạt khác. Sự lan tỏa và sẻ chia yêu thương đó đã giúp nhiều học sinh vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực học tốt. Chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi luôn đạt trên 50%, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp vào đại học đạt 35%. Bên cạnh việc thực hiện mô hình, Chi bộ, Ban Giám hiệu Trường trung học phổ thông Thuận Châu còn vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ tiền để Công đoàn trường tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích tốt trong học tập.

Em Cà Thị Thu Hiền, dân tộc Thái là học sinh lớp 12B tại bản Lăng Luông, xã Phổng Lăng. Bố Hiền mất sớm, mẹ đi bước nữa để lại hai chị em sống với ông, bà nội. Là gia đình thuần nông nên cuộc sống của gia đình em rất khó khăn… Sau khi nắm bắt được hoàn cảnh của em, đầu năm lớp 10, cô giáo Vì Thu Hạnh đã đăng ký với Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường nhận giúp đỡ em Cà Thị Thu Hiền.

Cùng với việc thường xuyên đến nhà thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, tình cảm để động viên, khích lệ, tạo niềm tin, động lực giúp Hiền vươn lên học tập tốt, cô còn trở thành người mẹ thứ hai của em trong cuộc sống hằng ngày... Cô giáo Vì Thu Hạnh chia sẻ: Vừa là giáo viên chủ nhiệm và cũng là giáo viên bộ môn trực tiếp giảng dạy em Hiền, tôi đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh của em và quan tâm, khuyến khích em về cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi đã cung cấp nhiều tài liệu, dạy phụ đạo, nên em đã có nhiều chuyển biến trong học tập, năm học nào cũng đạt học sinh tiên tiến. Vừa rồi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, em đã hoàn thành tốt các môn thi của mình.

PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, cho biết: Mô hình “Mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên nhà trường nhận giúp đỡ ít nhất một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học” của Trường trung học phổ thông Thuận Châu được đánh giá cao, khơi dậy và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Sở đã chỉ đạo và khuyến khích các đơn vị trường học trên địa bàn căn cứ vào kết quả đạt được tại Trường trung học phổ thông Thuận Châu để học tập và nhân rộng mô hình.

Câu chuyện giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Trường trung học phổ thông Thuận Châu đang tạo nên một hiệu ứng tích cực không chỉ tại đơn vị nhà trường mà còn lan tỏa sâu rộng tới các đơn vị trên địa bàn. Đây cũng là một trong những mô hình được đánh giá cao, được nhân rộng.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới