Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận tại tổ sáng ngày 22/5 với nội dung tập trung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La được phân công tham gia thảo luận tại tổ số 4 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Đà Nẵng, Ninh Bình và Tây Ninh.

Toàn cảnh phiên họp tổ Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh, Đà Nẵng.

 

Tổ thảo luận số 4 có 24 đại biểu, do đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh làm Tổ trưởng; các đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, tỉnh Ninh Bình và thành phố Đà Nẵng làm Tổ phó tổ thảo luận.

Tại buổi thảo luận, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về “Đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới”. Theo đó, Chính phủ đã đánh giá các nội dung sát với thực tế, tập trung chỉ đạo quyết liệt, kiểm soát được lạm phát; tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 đạt được 6,81%, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; an ninh chính trị ổn định. Tuy nhiên, đồng chí cũng đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung như: Chính sách chăm lo, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước, đây là vấn đề cần được bàn trong thời gian tới; việc giải ngân chậm của Chính phủ; việc rà soát các khoản nợ đọng (thuế tài sản, đất đai và các loại thuế khác), kiểm soát chi cần tăng cường thêm, phương thức quản lý điều hành trong khoán chi cần mạnh dạn hơn; cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực xã hội trong thời gian tới, nhất là đầu tư cho con người (người nghèo, đối tượng chính sách…), quan tâm đến đời sống của công nhân lao động…

Tham gia ý kiến tại tổ về nội dung này, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quàng Văn Hương bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân chậm các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn liên quan đến việc thực hiện các chương trình chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020; chính sách phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025; nguồn vốn để thực hiện Đề án “Ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình” thuộc tỉnh Sơn La (giai đoạn 4) để ổn định đời sống nhân dân...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận tại tổ chiều ngày 23/5, với nội dung tập trung tham gia góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch; dự án Luật Trồng trọt.

Đồng chí Đinh Công Sỹ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Trồng trọt. Đồng chí đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm một chương quy định về việc sử dụng và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; xem xét lại việc giải thích một số từ được quy định trong Luật cho rõ hơn. Đồng thời, đề nghị quy định rõ hành vi bị cấm quy định tại khoản 9, Điều 8 của dự thảo Luật.

Tham gia ý kiến tại tổ về nội dung này, đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, dự án Luật Trồng trọt được xây dựng trên cơ sở từ pháp lệnh giống cây trồng, tuy nhiên Ban soạn thảo xây dựng Luật mới trên cơ sở từ góc độ quản lý nhà nước về giống cây trồng chứ chưa căn cứ vào tình hình thực tiễn để xây dựng luật. Đồng chí đề nghị, từ ngữ trong luật cũng cần giải thích rõ hơn, để khi người dân tiếp cận với luật dễ dàng và dễ hiểu. Cụ thể: Điều 36 cần gắn trách nhiệm của người cung cấp giống cây trồng. Điều 66 cần quy định rõ hơn, trong dự thảo chỉ phù hợp với khu vực đồng bằng chứ không phù hợp với khu vực miền núi. Khoản 1 Điều 70 quy định về canh tác trên đất dốc cần quy định rõ hơn để người dân dễ áp dụng luật trong thực tiễn. Đồng chí đề nghị xem xét quy định lại cho rõ hơn trách nhiệm của UBND tỉnh được quy định tại Điều 68.

Cũng tham gia vào dự án Luật Trồng trọt, đại biểu Đinh Công Sỹ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, đây là dự án Luật rất quan trọng, vì vậy các quy phạm được quy định trong luật cần phải được quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, các quy định trong dự án Luật Trồng trọt còn mang tính quản lý là chính, các điều khoản quy định về khuyến khích các nhà đầu tư và cá nhân cho hoạt động trồng trọt còn ít. Đồng chí đã tham gia trực tiếp vào các điều luật cụ thể như: đề nghị Ban Soạn thảo cụ thể hóa các quy định tại điều 6 về chính sách của nhà nước về trồng trọt vào trong luật. Tại Điều 4, cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Tại Điều 7, đề nghị bổ sung thêm nội dung trao đổi thông tin trong hoạt động trồng trọt với nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Điều 8 về các hành vi cấm, đề nghị quy định thêm hành vi trồng các loại cây làm ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, đồng chí còn đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định nội dung bảo tồn các nguồn gien quý và giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao; đề nghị Chính phủ xem xét quy định các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này (Nghị định xử phạt) trình Quốc hội cho ý kiến cùng với dự thảo Luật…

                                                                      

Ngọc Trà

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới