Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ môi trường

LTS: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội khóa XIV Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, với rất nhiều điểm mới trong công tác quản lý nhà nước và xử lý các vấn đề về môi trường. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác tham mưu quán triệt, triển khai để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận, thống nhất của chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Lãnh đạo Sở TN&MT trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị tập huấn truyền thông về môi trường khu vực Miền Bắc.

 

PV: Xin bà cho biết sự cần thiết phải ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Sau 5 năm áp dụng Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, một số quy định về BVMT còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế. Cơ chế, chính sách BVMT chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các quy định của Luật chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động BVMT.

Các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước. Một số vấn đề mới phát sinh về BVMT chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề mới nảy sinh như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái đòi hỏi pháp luật về BVMT phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá.

Việc tổ chức triển khai Luật BVMT còn thiếu hiệu quả. Chủ yếu là do nội dung, trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về BVMT chưa hợp lý, vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, trách nhiệm chưa đi đôi với quyền hạn, chưa phân định rõ trách nhiệm (một việc vẫn giao cho nhiều cơ quan chủ trì), nhất là đối với việc quản lý rác thải đô thị, nông thôn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố môi trường. Các quy định của pháp luật mới chỉ chú trọng trách nhiệm từ phía Nhà nước, thiếu cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, từng doanh nghiệp và người dân trong công tác BVMT.

Bên cạnh đó, do biên chế hành chính cho cơ quan quản lý môi trường các cấp của tỉnh ta còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về BVMT; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác BVMT chưa thực sự đồng bộ, một số cấp ngành chưa chủ động, quyết liệt trong triển khai các hoạt động BVMT, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT và khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có ý thức, chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác BVMT, đầu tư công trình, xử lý chất thải chưa đồng bộ, xả hất thải chưa đảm bảo quy chuẩn ra ngoài môi trường ảnh hưởng tới môi trường và gây dư luận bức xúc trong nhân dân.

PV: Những điểm mới của Luật BVMT năm 2020 là gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Luật BVMT 2020 với 171 điều, tập trung vào 12 nhóm chính sách. Luật BVMT năm 2020 được đánh giá là một luật lớn, có tầm ảnh hưởng rộng. Luật BVMT 2020 đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT.

Luật với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các TTHC vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Luật BVMT năm 2020 cũng đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Một số điểm mới của Luật BVMT năm 2020 là:

Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính.

Luật đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước.

Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp.

Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước.

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

PV: Để Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đi vào cuộc sống, vai trò, trách nhiệm của Sở TN&MT thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật BVMT năm 2020 sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác BVMT. Để đảm bảo thi hành Luật BVMT năm 2020 có hiệu quả, căn cứ Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT, Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 167/KH-UBND ngày 21/7/2021 về việc triển khai thi hành Luật BVMT. Đồng thời, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Báo cáo số 152/BC-UBND ngày 14/4/2022 kết quả triển khai Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT. Đồng thời, tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến Luật BVMT để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến Luật BVMT để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của luật. Hiện nay, Sở TN&MT đang chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, phát hành tài liệu giới thiệu Luật BVMT năm 2020.

PV: Xin cảm ơn bà!

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới