Hỗ trợ các HTX ứng dụng KHKT vào sản xuất

5 năm trở lại đây, huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, các HTX nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất của các HTX, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao của HTX nông nghiệp Lâm An, xã Muổi Nọi.

Hàng năm, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn tổ chức các hội thảo, tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên HTX về kỹ thuật trồng, chăm sóc, ghép mắt giống chất lượng cao cho cây ăn quả; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. 5 năm qua, đã hỗ trợ ghép hơn 10.000 mắt giống cây ăn quả chất lượng cao; xây dựng các dự án, mô hình về chăn nuôi, thủy sản bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, như: Nuôi cá lồng ở HTX Liệp Tè với quy mô 200 lồng; nuôi dê sinh sản trên nền đệm lót. Ngoài ra, hỗ trợ người dân và các HTX xây dựng 402 bể khí sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi, góp phần tiết kiệm thời gian chăm sóc, giảm chi phí và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 23 HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, công nghệ xử lý vi sinh. Bên cạnh đó, huyện tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho nông dân và các HTX về kiến thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương trở lên, giúp các HTX sản xuất các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Toàn huyện hiện có 22 cơ sở đạt chứng nhận VietGAP, với quy mô trên 330 ha cây ăn quả, 358 lồng cá, 3.000 con lợn, hơn 2 ha nuôi trồng thủy sản; xây dựng 21 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong đó có 14 sản phẩm trồng trọt, 7 sản phẩm chăn nuôi, với 18 HTX tham gia.

HTX nuôi trồng thủy sản Liệp Tè, bản Ban Xa, xã Liệp Tè được thành lập vào cuối năm 2016, với 47 thành viên đang nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 322 lồng, nuôi các loại cá: trắm, lăng, chép. Anh Quàng Văn Hiện, Giám đốc HTX, cho biết: Từ năm 2017, HTX được huyện Thuận Châu hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá lồng với quy mô 200 lồng. Trong quá trình nuôi cá, các hộ thành viên HTX ký kết hợp đồng lấy con giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng; tuân thủ đúng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, nhờ đó cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/lồng/năm. Đến nay, các thành viên HTX đã nắm vững kỹ thuật nuôi, sản phẩm cá của HTX xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn HTX nông nghiệp Lâm An, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, thành lập năm 2019 với 9 thành viên. Ông Vũ Văn Lâm, Giám đốc HTX, nói: Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã được các phòng chuyên môn của huyện Thuận Châu tư vấn ghép cải tạo, trồng các loại cây ăn quả giống chất lượng cao, cùng với đó, các thành viên của HTX được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Hiện nay, HTX đã có 20 ha cam, bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian tới chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước. Riêng gia đình tôi có 1,5 ha cam, bưởi, sản lượng đạt trên 13 tấn/năm, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, thông tin: Các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất thông thường, tạo ra những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu. Huyện đang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ các HTX kỹ thuật lựa chọn cây giống, trồng, chăm sóc đến khâu bảo quản, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Hiệu quả từ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại các HTX đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của Thuận Châu phát triển bền vững.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới