Hình ảnh Bác mãi trong trái tim tôi

Cứ mỗi dịp tháng năm về, những ký ức về Bác Hồ của ông Điêu Chính Dụng, 80 tuổi, ở xóm 7, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) lại ùa về. Trong sự nghiệp làm báo, ông đã trải qua thời kỳ gian khó của chiến tranh, nhưng điều may mắn nhất của ông là được quay những thước phim vô giá về Bác Hồ - Người Cha già kính yêu của dân tộc.

Ông Điêu Chính Dụng (người mặc áo đen) chụp ảnh với Bác Hồ

tại rừng Bất Bạt (Hà Tây cũ) tháng 2 năm 1969.    

                                                                              

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình với truyền thống cách mạng ở bản Hé, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai), hai người anh của ông Dụng đều là liệt sĩ, hy sinh thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1953, ông tham gia cách mạng, công tác tại Ty Tuyên truyền tỉnh Lai Châu, phục vụ trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, sau đó được chuyển về công tác tại Sở Văn hóa Khu Tây Bắc. Ông Dụng nhớ lại: lần đầu tiên tôi được gặp Bác là vào ngày 7-5-1959 tại Thuận Châu. Nhiều lần chỉ được nhìn Bác qua phim, ảnh, nay được thấy Bác, tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Mong ước có một ngày mình cũng sẽ được ở bên Bác và quay những thước phim về Bác kính yêu.

Ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Vào năm 1961, do nhu cầu công tác, tôi được cử đi học quay phim tại Xưởng phim Thời sự tài liệu Trung ương. Vào thời điểm này, ở Khu Tây Bắc có nhà quay phim, kiêm đạo diễn Lò Minh học tại lớp Ðiện ảnh khóa I cùng với các diễn viên nổi tiếng như: Trà Giang, Lâm Tới. Riêng tôi được đào tạo vừa học, vừa làm trực tiếp tại xưởng phim. Năm 1964 học xong, tôi được kết nạp Ðảng và giữ lại làm việc ở xưởng phim. Từ đó tôi thường xuyên được bố trí quay phim tư liệu, chụp những hình ảnh về các hoạt động tại Phủ Chủ tịch. Trong đó có 2 lần đặc biệt nhất đối với tôi.

Lần đầu tôi ghi hình về Bác là ngày 1-1-1968, Đoàn đại biểu Thanh niên dũng sỹ miền Nam ra Hà Nội báo cáo thành tích với Bác. Tôi chăm chú quay không thiếu một chi tiết nào những hình ảnh xúc động về tình cảm của Bác đối với các đại biểu thanh niên dũng sĩ. Hôm đó, Bác ân cần hỏi tôi: Cháu ở xưởng phim nào? Tôi trả lời: Dạ thưa Bác. Cháu ở xưởng phim thời sự tài liệu ạ. Bác Hồ nói tiếp: Trong tác nghiệp báo chí không những để giải trí mà còn làm công tác tuyên truyền giáo dục. Đất nước ta còn chiến tranh, đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, các cháu phải ghi lại những hình ảnh đó để tố cáo tội ác của chúng với thế giới.

Lần thứ hai, sáng mùng 2 Tết năm 1969, tôi được lệnh quay phim tư liệu Bác trồng cây tại xã Bất Bạt, tỉnh Hà Tây. Thấy mọi người chuẩn bị chiếu và ghế để Bác ngồi nghỉ, Bác hỏi những người phục vụ: Các cháu làm cái gì thế này? Họ trả lời: Dạ thưa Bác, chúng cháu chuẩn bị chỗ ngồi để đón Bác và đoàn công tác, mời Bác và đoàn vào ngồi ạ. Bác không nói gì, tránh sang bên cạnh, rồi lấy vài lá cây phủi qua mặt đất và ngồi xuống lá cây khô, lúc đó mọi người đều theo Bác ngồi xuống ghế làm bằng... lá khô. Trước khi làm việc, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, công việc của những nhà báo đi theo Bác.

Với những thành tích đạt được trong công tác, năm 1970, tôi và một đồng nghiệp được Xưởng phim cử làm đại diện đoàn Việt Nam tham dự Liên hoan phim thế giới lần thứ 13 tại Berlin (Đức). Và sau đó, tôi vinh dự được cử sang nước bạn Lào làm chuyên gia hướng dẫn quay phim. Trong hoàn cảnh khó khăn, tôi luôn nhớ lời Bác dạy, điều đó đã giúp tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người làm báo cách mạng. 

Hồi đó tác nghiệp vất vả lắm, máy móc còn lạc hậu, nặng nề; phương tiện đi lại chỉ có... đôi chân là chính. Khó khăn nhất là những lúc máy bay Mỹ ném bom, mọi người thì xuống hầm tránh bom, còn những người làm báo như chúng tôi phải xông ra chiến trường, quay những thước phim khốc liệt để tố cáo tội ác của giặc Mỹ.

Chỉ cho chúng tôi xem những bức ảnh đen trắng mà ông đã chụp, ông Dụng nói: Tôi luôn giữ gìn như những báu vật, đây cũng là tư liệu vô cùng quý giá về Bác Hồ, về sự nghiệp báo chí cánh mạng của tôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đến khi nghỉ hưu, tôi vẫn luôn nhớ những lời dạy của Bác Hồ, tôi luôn giáo dục con cái học tập tấm gương đạo đức của Người.

Và cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, ông lại mang những hình ảnh về Bác mà ông đã ghi được để kể lại cho con cháu nghe về người Cha già kính yêu của dân tộc. Hình ảnh của Người mãi khắc sâu trong trái tim ông... 

Huyền Trang

(Ghi theo lời kể của ông Điêu Chính Dụng)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới