Hiệu ứng tích cực từ các mô hình nông nghiệp tiêu biểu

Là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển nông nghiệp giá trị kinh tế cao; người dân nhanh nhạy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, không ngừng nâng cao giá trị thu nhập từ những loại cây trồng truyền thống và cây trồng mới. Không chỉ vậy, Mộc Châu còn tập trung lựa chọn những mô hình nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn để làm điểm, quảng bá và nhân rộng; khuyến khích, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân học tập, làm theo...

     

“Vườn mận đẹp” tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường (Mộc Châu).

             

Để lựa chọn những mô hình nông nghiệp tiêu biểu, huyện xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai ở tất cả 15 xã, thị trấn, theo các nội dung và hình thức đã được quy định, như: Lựa chọn các mô hình nông nghiệp tiêu biểu, hiệu quả kinh tế cao thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... theo Bộ tiêu chí chấm điểm đánh giá có thang điểm 100 và mỗi lĩnh vực sẽ có bộ tiêu chí riêng. Đối với mô hình trồng trọt phải đảm bảo 8 tiêu chí; trong đó, tiêu chí áp dụng quy trình kỹ thuật, sản xuất an toàn bền vững, mẫu mã sản phẩm đẹp được chấm ở thang điểm cao nhất, giá trị sản xuất phải đạt từ 300 triệu đồng/ha trở lên. Mô hình chăn nuôi chấm điểm theo 5 tiêu chí; đặc biệt chú trọng đến quy hoạch chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường, giá trị sản xuất đạt từ 300 triệu đồng/năm trở lên. Còn mô hình thủy sản cũng chấm điểm 5 tiêu chí, giá trị sản xuất đạt từ 2 tỷ đồng/ha mặt nước/năm trở lên, diện tích tối thiểu từ 300 m² trở lên, thu nhập trên 60 triệu đồng/năm trở lên. Tất cả các mô hình đều yêu cầu phải có liên kết sản xuất, tham gia hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Mỗi năm, chọn ra 10 mô hình tiêu biểu nhất để có hình thức khen thưởng phù hợp, lấy đó làm điểm nhấn, quảng bá rộng rãi cho người dân học tập và nhân rộng mô hình.

             

Một trong những mô hình tiêu biểu là “vườn mận đẹp” của gia đình anh Trịnh Viết Tương, ở tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Đây là 1 trong 10 hộ tiêu biểu của huyện Mộc Châu trong năm 2019, đạt giá trị thu nhập trên 500 triệu đồng/ha. Khu vườn rộng tới 2 ha, nằm giữa một thung lũng khá bằng phẳng, chăng kín lưới chống mưa đá. Trong vườn, những hàng mận trồng đều tăm tắp, cây nào cây nấy chi chít quả. Để vườn mận đạt năng suất cao, gia đình anh Tương sử dụng phân chuồng hoai mục bón vào từng gốc cây; ngoài tưới nước thường xuyên, gia đình anh còn tỉa thưa cành để cây ra tán rộng, bảo đảm phát triển đều, đẹp, khỏe cành, sai quả, ít sâu bệnh. Nhờ tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật, nên năm nay trên địa bàn dù xảy ra một số trận mưa đá lớn, nhưng vườn mận nhà anh không bị ảnh hưởng vì đã được chăng lưới chống mưa đá, không ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng, quả vẫn to đều, bóng đẹp. Vụ mận năm nay, giá xuống khá thấp, chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg, nhưng mận của gia đình anh Tương vẫn bán được giá 35.000-40.000 đồng/kg. Với hơn 4 ha mận các loại, gia đình anh thu về trên 1,8 tỷ đồng.

             

Không chỉ “vườn mận đẹp” của anh Trịnh Viết Tương, những vườn đẹp được lựa chọn năm qua cũng đều là những mô hình nông nghiệp tiêu biểu, được đánh giá cao ở nhiều tiêu chí. Ví dụ như vườn hồng giòn của ông Phạm Văn Quyết (tiểu khu 34, xã Tân Lập), thu nhập trên 900 triệu đồng/ha; vườn hồng giòn này trồng từ năm 2007, rộng 2 ha; nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng hữu cơ, hồng có vị ngọt thanh, mẫu mã đẹp, được khách hàng ưa chuộng. Rồi mô hình trồng dâu tây của ông Vũ Văn Lực (bản Áng, xã Đông Sang) đạt 500 triệu đồng/ha; vườn cam của ông Hà Ngọc Quý (bản Hoa, xã Tân Lập), thu trên 400 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau của HTX rau an toàn An Tâm (xã Mường Sang) hơn 400 triệu đồng/ha... Không chỉ có giá trị và thu nhập cao, những mô hình nông nghiệp này còn thực hiện quy trình sản xuất bài bản theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc theo hướng hữu cơ, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm bảo đảm đầu ra ổn định.

             

Lựa chọn những mô hình nông nghiệp tiêu biểu đã tạo nên hiệu ứng tích cực, hình thành những mô hình điểm, minh chứng cụ thể cho công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm..., năm 2020, huyện Mộc Châu tiếp tục lên kế hoạch lựa chọn 10 mô hình nông nghiệp tiêu biểu nhất giao cho các xã, thị trấn lựa chọn và đăng ký. Dựa trên thế mạnh và điều kiện thực tế của từng địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện gợi ý lựa chọn những mô hình phù hợp, như: Trồng bơ, dâu tây, mận hậu, chanh leo, hoa... ở 2 thị trấn và một số xã lân cận; mô hình trồng nhãn, xoài ở xã Hua Păng, Nà Mường; mô hình chăn nuôi ở Chiềng Khừa, Chiềng Sơn; mô hình thủy sản tại xã Tà Lại, Quy Hướng... dựa trên cơ sở đó, các xã, thị trấn xây dựng ý tưởng, hướng dẫn, khuyến khích người dân tích cực tham gia, tạo ra nhiều mô hình hiệu quả, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích; đồng thời, nhân rộng được phong trào lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi trong các tổ chức, cá nhân...

             

Với sự thay đổi trong cách thức chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế, người nông dân có thể tăng giá trị sản xuất lên nhiều lần so với cách làm nông nghiệp truyền thống. Đây thực sự là những điển hình tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP ở Mộc Châu, là những “địa chỉ đỏ” để bà con nông dân học hỏi kinh nghiệm trong phương pháp sản xuất hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập từ một loại cây trồng trên cùng đơn vị diện tích đất, đặc biệt là cách làm nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới