Hiệu quả vườn thuốc nam ở Trạm Y tế xã Lóng Luông

Những năm gần đây, phương pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được củng cố, phát triển, vận dụng tốt phương pháp này, Trạm Y tế xã Lóng Luông (Vân Hồ) đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân trên địa bàn.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Lóng Luông chăm sóc cây thuốc nam.

Xác định rõ vai trò của thuốc nam trong khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, Trạm Y tế xã Lóng Luông đã dành diện tích đất hợp lý cho vườn cây thuốc nam mẫu. Đến nay, trên diện tích gần 100 m2, vườn cây thuốc nam mẫu đã có gần 50 loại cây thuốc nam thuộc 8 nhóm thuốc khác nhau được trồng riêng, có bảng ghi tên khoa học, tên thường gọi và công dụng chữa bệnh để người dân dễ hiểu, dễ sử dụng. Để vườn thuốc nam phát triển, phát huy tốt tác dụng trong việc hướng dẫn người dân dùng làm thuốc chữa bệnh, cán bộ Trạm Y tế xã thường xuyên sưu tầm thêm nhiều loại cây thuốc dùng chữa các bệnh khác nhau đưa về trồng bổ sung. Thông qua hoạt động khám, chữa bệnh hàng ngày, cán bộ Trạm thường xuyên hướng dẫn cho người dân biết tác dụng của từng loại cây trong phòng bệnh, chữa bệnh, đồng thời khuyến khích người dân mang về nhân giống trồng tại vườn nhà để tiện sử dụng.

Ông Giàng A Páo, bản Co Lóng, cho biết: Tôi được cán bộ Trạm Y tế giới thiệu vườn cây thuốc nam và công dụng chữa bệnh của từng loại cây. Mỗi khi bị bệnh tôi thường đến Trạm khám và xin thuốc nam để chữa. Bị ho, viêm họng, các bác sĩ hướng dẫn dùng cây rẻ quạt, bạc hà, đau xương khớp thì chữa bằng cây huyết đằng, cỏ xước, đậu bắp, lá lốt... Tôi sử dụng thấy hiệu quả, khỏi bệnh nhanh nên chữa bệnh bằng cây thuốc nam, ít khi phải mua thuốc tây. Tôi cũng xin cây thuốc mẫu về trồng ở vườn nhà và giới thiệu cho mọi người biết, cùng sử dụng.

Nói về hiệu quả của vườn thuốc nam mẫu, bác sỹ Giàng A Tăng, Trạm trưởng cho biết: Chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền có rất nhiều lợi ích, cây thuốc nam lành tính, không có tác dụng phụ, tiện dụng, ít tốn kém về kinh tế khi không phải bỏ tiền mua thuốc tây, phù hợp với nhu cầu đồng bào dân tộc Mông tại Lóng Luông. Ngoài ra, dùng thuốc nam chữa bệnh thông thường còn góp phần duy trì nguồn cây dược liệu quý có ngay trong vườn nhà, duy trì, bảo tồn những bài thuốc quý của dân tộc đang có nguy cơ mai một.

Trạm Y tế xã Lóng Luông đã đạt chuẩn quốc gia y tế xã. Trung bình mỗi năm, Trạm có từ 4.000 - 5.000 lượt người đến khám, chữa bệnh, trong đó trên 35% người có bệnh được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền. Với lợi thế Trạm có bác sỹ, y sỹ là người dân tộc Mông có nhiều năm kinh nghiệm, ứng dụng tốt các phương pháp chữa bệnh cổ truyền đa dạng, từ châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, đến tác động cột sống, mát xa... nhờ đó, bệnh nhân có những bệnh lý như viêm khớp, di chứng tai biến mạch máu não, đau thần kinh tọa, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, thoái hóa cột sống... đều phục hồi với hiệu quả rất cao. Số người tin tưởng đến khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại Trạm ngày càng nhiều.

Để phát huy hiệu quả vườn cây thuốc nam và tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, bác sĩ Giàng A Tăng cho biết thêm: Trong thời gian tới, Trạm sẽ triển khai hoạt động bào chế thuốc nam, nhân rộng vườn thuốc nam mẫu, tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền lồng ghép với y học hiện đại.

Việc áp dụng y học cổ truyền trong khám chữa bệnh ở Trạm Y tế xã Lóng Luông, trong đó có sử dụng hiệu quả vườn cây thuốc nam mẫu là hướng đi đúng, phù hợp với nhu cầu của người dân. Không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nói chung, khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền nói riêng, mà còn góp phần phát huy hiệu quả các bài thuốc dân gian, bảo tồn các giống cây thuốc quý, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đức Anh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới