Hiệu quả từ một chủ trương sát thực tế

Triệt để khai thác những lợi thế, tiềm năng của địa phương, thời gian gần đây, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm ở huyện miền núi Điện Biên Đông (Điện Biên) đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trực tiếp giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo.

Từ đổi thay về tư duy sản xuất…

Bao đời nay, người dân ở các bản làng vùng cao Điện Biên Đông vốn đã quen với cách thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả tự do trên núi… Bên cạnh những nguyên nhân như: trình độ dân trí thấp, kết cấu kinh tế kỹ thuật kém phát triển, tập quán này đã làm hạn chế hiệu quả sản xuất nông nghiệp của huyện Điện Biên Đông nói chung và hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm nói riêng. Bám sát đặc điểm đó, từ năm 2010 đến nay, với quyết tâm phát huy thế mạnh chăn nuôi của địa phương, đặc biệt là phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND huyện Điện Biên Đông đã thực hiện chủ trương: “Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi; tăng tổng đàn và giá trị kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm bền vững”.

Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động đã được chú trọng thực hiện trước một bước nhằm giúp bà con nhận thấy những lợi ích của việc đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Thông qua các hình thức như: đến tận từng hộ tuyên truyền; mở các lớp hướng dẫn, dạy nghề chăn nuôi; hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh…, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp đồng bào dần mở rộng các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bình quân hàng năm, các cơ quan chức năng nòng cốt là ngành nông nghiệp đã tổ chức khoảng 25 - 30 lớp tập huấn, hướng dẫn cho hàng nghìn nông dân kỹ thuật làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; xóa bỏ thói quen chăn thả rông; hướng dẫn kỹ thuật chế biến thức ăn, kỹ thuật chống rét, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi lợn siêu nạc, lợn bản địa, gà xương đen, ngan Pháp, bò sinh sản…

Bên cạnh đó, việc bảo đảm chất lượng nguồn con giống cho chăn nuôi cũng được các cấp, các ngành ở Điện Biên Đông chú trọng thực hiện khá tốt. Trên cơ sở quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm và sự giúp đỡ trâu, bò giống từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân hảo tâm, mỗi năm đã có hàng trăm gia súc, hàng nghìn gia cầm giống được đưa tới cho các hộ dân trên địa bàn. Đồng thời, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm “điểm” có hiệu quả kinh tế đã được thực hiện và nhân rộng.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông đã hỗ trợ người dân thực hiện thành công trên 50 mô hình, dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm và phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Từ những mô hình, dự án này, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, nhất là tại các xã Luân Giói, Keo Lôm, Pú Nhi, Phì Nhừ… và thị trấn Điện Biên Đông đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình nông dân chăn nuôi, sản xuất kinh doanh giỏi như hộ các ông Giàng Văn Minh (xã Keo Lôm), Lò Văn Tính (xã Phì Nhừ), ông Lò Văn An (xã Luân Giói), ông Lường Văn Pánh, ông Sầm Văn Phu (thị trấn Điện Biên Đông)…

Đến những hiệu quả kinh tế thiết thực, bền vững

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trần Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: “Chủ động khắc phục những khó khăn về điều kiện thời tiết, tập quán sản xuất…, những năm gần đây hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã thu được những kết quả đáng mừng; góp phần từng bước thực hiện đa dạng hóa các hình thức sản xuất kinh tế, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững”.

Có mặt tại trang trại chăn nuôi của gia đình anh Vàng Sia Sùng, dân tộc Thái ở bản Háng Lìa B, xã Háng Lìa, chúng tôi như cảm nhận rõ hơn về hiệu quả phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở huyện miền núi Điện Biên Đông. Chỉ tay vào ngôi nhà sàn vừa được xây dựng lại, anh Sùng vui vẻ chia sẻ: “Cơ ngơi gia đình tôi được như vậy cũng là nhờ cả vào đàn trâu, bò và sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ cả đấy”. Tìm hiểu được biết, cách đây chưa lâu, đời sống gia đình anh Vàng Sia Sùng gặp khá nhiều khó khăn do diện tích đất canh tác ít, nhà neo người, hiệu quả thu được từ hoạt động sản xuất nông nghiệp không cao. Sau khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu bò sinh sản tập trung và được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, gia đình anh Sùng đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu bò kết hợp trồng cỏ để bảo đảm thức ăn. Đến nay, với hệ thống chuồng trại bảo đảm vệ sinh, gia đình anh Sùng thường xuyên duy trì trên 60 con trâu, bò, dê cùng hàng trăm con gia cầm các loại. Bình quân mỗi năm, hoạt động chăn nuôi đã mang lại cho anh và gia đình trên 100 triệu đồng, một số tiền “mơ ước” đối với các hộ đồng bào người Thái ở Keo Lôm.

Thực tế cho thấy, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã dần khẳng định rõ hiệu quả kinh tế bền vững với tỷ trọng chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Điện Biên Đông. Đến nay, tính chung trên địa bàn toàn huyện hiện có hơn 90.000 con gia súc; trong đó đàn trâu là 19.920 con, đàn bò là 10.662 con, đàn lợn là 50.625 con, đàn dê là 11.865 con và gần 352 nghìn con gia cầm các loại.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, ông Trần Văn Thượng, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trong đó hướng mạnh vào những loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao như trâu, bò, lợn bản địa, dê thương phẩm… Đồng thời, các cơ quan chức năng trực tiếp là ngành nông nghiệp cũng sẽ tập trung kết hợp giữa nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững với nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả và thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tin tưởng chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ sớm trở thành hoạt động sản xuất kinh tế mũi nhọn, giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống mọi mặt của bà con./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới