Hiệu quả thực hiện khâu đột phá phát triển nguồn nhân lực

Xác định phát triển nguồn nhân lực (NNL) là 1 trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh ta đã đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn và hiện thực hóa bằng những chương trình, đề án phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các lĩnh vực hoạt động và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

                                       

Ca sản xuất tại Công ty cổ phần may Mường La, huyện Mường La.

             

Mục tiêu phát triển nhân lực là đủ số lượng, chất lượng trên cả 3 yếu tố cơ bản: Sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức và cơ cấu hợp lý theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội. Phát triển nhân lực trong mối quan hệ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị, tiếp tục phân bổ lại dân cư trên địa bàn tỉnh, nhằm đạt tới sự phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa nông nghiệp và các ngành khác, tạo ra sự bứt phá mới về phát triển kinh tế - xã hội... Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 23 ngày 12/12/2011 về Quy hoạch phát triển NNL tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2020. Để thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã ban hành các quy hoạch: “Dân số - Lao động - Việc làm của tỉnh giai đoạn 2006-2020”; “Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2011-2020”; Quy hoạch dạy nghề tỉnh giai đoạn 2011-2020”. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển nhân lực theo bậc đào tạo; các ngành, lĩnh vực khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ và phát triển các nhóm nhân lực đặc biệt. Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh ta cũng xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện phát triển nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ quản trị doanh nghiệp, lao động có tay nghề và đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch để cử cán bộ, công chức, viên chức đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài.

             

Hệ thống cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo, dạy nghề được đầu tư, nâng cấp phục vụ giảng dạy và mở rộng các ngành nghề, đẩy mạnh liên kết đào tạo cho người lao động của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp với cơ sở đồng bộ, đa dạng hóa các ngành nghề đáp ứng nhu cầu học tập, học nghề. Các cơ sở tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đa dạng các loại hình đào tạo; cơ cấu trình độ đào tạo đa dạng, cao đẳng 32 ngành nghề, trung cấp 42 ngành nghề, sơ cấp và dưới 3 tháng 96 ngành nghề.

             

Toàn tỉnh hiện có 747.078 người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 59% dân số, hiện 55% lao động được qua đào tạo. Về xây dựng đội ngũ công chức, viên chức và nhóm nhân lực đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã mở 658 lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho 47.149 lượt người tham gia. Nhờ đó, trình độ nhân lực đặc biệt được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 96% cán bộ, công chức thuộc khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, huyện có trình độ đại học và trên đại học; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đạt trình độ từ trung cấp trở lên; trên 50% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học và trên đại học; trên 10% cán bộ công chức viên chức đạt chuẩn về trình độ lý luận; trên 12% cán bộ công chức, viên chức được đào tạo bồi dưỡng quản lý Nhà nước. Đội ngũ trí thức và nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng; năm 2011 có 1.200 người thì đến năm 2019 đã tăng lên 2.103 người. Nhiều giải pháp khoa học và công nghệ có tính ứng dụng hiệu quả cao, phục vụ đời sống và sản xuất, có 140 đề tài khoa học cấp tỉnh; 35/81 giải pháp tham gia và đoạt giải Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn tỉnh; 5 giải pháp được cấp Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 3 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Nhân lực là người dân tộc thiểu số ước đến năm 2020 đạt 100 sinh viên/vạn dân; đào tạo sau đại học cho người dân tộc thiểu số đạt 0,2% trong tổng số lao động đã qua đào tạo; 15% tỷ lệ người trong độ tuổi lao động nhóm dân tộc thiểu số; 45% số lao động là người dân tộc thiểu số từ 18-35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm.

             

Việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo, quy mô nguồn nhân lực tăng, cơ cấu lao động có những chuyển dịch tích cực từ khu vực nông - lâm nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ; trình độ chuyên môn có những cải thiện tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 68,7%; công nghiệp - xây dựng 15,5%; thương mại, dịch vụ 15,8%. Bên cạnh công tác đào tạo, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta giải quyết việc làm cho 108.330 lao động.

             

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn quốc cũng như trong khu vực thì chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn ở mức thấp. Tỉnh ủy đã có chủ trương xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” để có những giải pháp đột phá nâng cao chất lượng lao động và tăng cường phát triển việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La, đáp ứng yêu cầu của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sản xuất và phân phối điện năng...

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới