Hiệu quả mô hình nuôi vịt sinh sản

Sau 6 tháng triển khai thực hiện, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình nuôi vịt sinh sản theo phương pháp an toàn sinh học tại xã Chiềng Pha (Thuận Châu) đã thành công và mang lại hiệu quả không chỉ về kinh tế, mà còn giúp nhiều nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi vịt sinh sản

tại bản Tạng Phát, xã Chiềng Pha (Thuận Châu).

Qua khảo sát, tìm hiểu thực tế, người dân xã Chiềng Pha vẫn nuôi vịt theo cách truyền thống, như nuôi nhốt, thả đồng theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ. Tập quán chăn thả như vậy tốn nhiều công quản lý, chăm sóc và chỉ tận dụng được nguồn thức ăn trong giai đoạn ngắn, năng suất thấp, không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vịt. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lựa chọn triển khai mô hình nuôi vịt sinh sản theo hướng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, đây là một trong những giải pháp phát triển chăn nuôi được ngành chăn nuôi khuyến cáo áp dụng phổ biến, nhằm hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại hiệu quả cao, hạn chế tối đa dịch bệnh.

Mô hình nuôi vịt sinh sản tại xã Chiềng Pha được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai từ tháng 6/2019 bằng nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh; quy mô 1.300 con với 13 hộ tham gia, các hộ này đều có kinh nghiệm, đảm bảo các điều kiện về chuồng trại, đối ứng 50% kinh phí thực hiện. Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100 con vịt giống bầu đen, hơn 1.000 kg thức ăn hỗn hợp và thuốc thú y phòng, chữa bệnh. Trước khi cấp giống và vật tư thú y cho các hộ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và các hộ xung quanh. Trong đó, chú trọng về kỹ thuật chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương; quản lý tốt đàn vịt, công tác giống, thú y, định hướng thị trường và hạch toán kinh tế... Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi vịt đạt hiệu quả cao nhất.

Qua đánh giá, mô hình đạt kết quả tốt, các hộ tham gia mô hình đều nắm được kiến thức, thấy rõ sự cần thiết của việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học vào nuôi vịt sinh sản, giảm thiểu nguy cơ rủi ro lây truyền dịch bệnh, vịt khỏe mạnh, lớn nhanh, trong khi vịt ngoài mô hình tỷ lệ mắc bệnh cao, năng suất thấp hơn hẳn. Tỷ lệ vịt sống đạt trên 93%, trọng lượng bình quân 2-2,5 kg/con. Đây là giống vịt bầu đen có chất lượng thịt thơm ngon, khả năng sinh sản cao, số lượng trứng/mái khoảng 180 quả/năm, hiệu quả kinh tế cao.

Hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình đạt kết quả cao là gia đình ông Quàng Văn Chơi, bản Tạng Phát. Dẫn chúng tôi kiểm tra đàn vịt, ông Chơi niềm nở cho hay: Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình tôi đã áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu sử dụng vắc xin, vệ sinh phòng dịch đến chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của đàn vịt, nên tỷ lệ sống đạt 96%. Ngoài nguồn thức ăn được cấp, tôi còn cho vịt ăn thêm ngô nghiền, cám gạo, cây chuối băm nhỏ, nay con to nhất đạt 2,8 kg/con, vịt đã đủ lông đủ cánh, chuẩn bị đẻ trứng. Tôi sẽ duy trì đàn vịt sinh sản để tăng thu nhập cho gia đình.

Tham gia cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông tham quan, đánh giá mô hình, ông Lò Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, thông tin: Chiềng Pha là xã vùng 3 khó khăn, được UBND tỉnh phân công Trung tâm Khuyến nông giúp đỡ. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình. Mô hình nuôi vịt sinh sản phù hợp với nguyện vọng của người dân và định hướng phát triển nông nghiệp của xã. Trong quá trình triển khai mô hình, xã đã thông tin rộng rãi đến các hộ dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Từ thành công mô hình, xã sẽ tuyên truyền, hướng dẫn các hộ duy trì và nhân rộng mô hình, để phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi vịt sinh sản ở xã Chiềng Pha đã đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình còn tạo cơ hội cho các hộ chăn nuôi tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thay đổi thói quen lạc hậu trong chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, mang tính tự cung, tự cấp, năng suất thấp, chưa chú ý đến quy trình phòng bệnh; sang phương pháp thực hiện theo quy trình kỹ thuật, đầu tư thâm canh, kiểm soát được dịch bệnh và nhất là biết hạch toán kinh tế trong chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa để tăng thu nhập.

Ngọc Vân

(Trường Chính trị tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới