Hiệu quả đồng vốn chính sách ở Thuận Châu

Đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Châu luôn chủ động thực hiện tốt các chính sách tín dụng. Từ nguồn vốn ưu đãi, đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

 

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu.

Đến nay, trên địa bàn huyện Thuận Châu có trên 18.600 hộ vay, với tổng dư nợ gần 658 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt gần 1,2 tỷ đồng/1 tổ tiết kiệm và vay vốn, 38,5 triệu đồng/1 khách hàng. Khách hàng chủ yếu vay vốn cho mục đích phát triển kinh tế, như: Trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, trồng rừng, cải tạo ruộng vườn. Nhờ đó, đã có nhiều hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm dần theo từng năm.

Cùng cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại gia đình anh Quàng Văn Long, ở bản Nà Lọ, xã Phổng Lăng. Cách đây 4 năm, gia đình anh thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Năm 2017, gia đình anh được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 5 con bò về nuôi. Cùng với đó, anh thường xuyên học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất từ các hộ gia đình tại địa phương, trồng 1.000 m2 cỏ voi để làm thức ăn cho bò. Đến nay, gia đình anh đã có 12 con bò, mỗi năm tiền lãi từ bán bò trên 70 triệu đồng. Anh Long chia sẻ: Bây giờ, gia đình tôi đã trả được hết nợ, mong Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay thêm để xây thêm chuồng và cải tạo vườn tạp, trồng cây cà phê.

Còn gia đình anh Vũ Văn Lâm, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, năm 2015, gia đình anh được Ngân hàng CSXH cho vay 100 triệu đồng để trồng cây ăn quả. Anh Lâm cho biết: Có vốn, tôi đã đầu tư mua giống cam, bưởi chất lượng cao về trồng. Đến nay, tôi đã có trên 1.000 gốc cam, bưởi. Mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện còn tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, đơn vị, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân lựa chọn cây, con phù hợp để phát triển kinh tế gia đình và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các hộ vay vốn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; phân công cán bộ tín dụng chính sách phụ trách địa bàn tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng cây ăn quả VietGAP của anh Vũ Văn Lâm, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi.

Trong các ngày giao dịch ở địa bàn, lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện tham gia giao ban trực tiếp với các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội để hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền và định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp tiềm năng, thế mạnh để bảo đảm hiệu quả đồng vốn vay; thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, quy mô và chất lượng tín dụng chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ giải ngân và thu nợ tại các xã đạt trên 99,5%.

Ông Lê Xuân Tuyền, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, cho biết: Phòng Giao dịch tiếp tục bám sát các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm của huyện, kịp thời giải ngân vốn đến đúng đối tượng. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt nhu cầu của người dân, giúp người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới